English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Về Trà Vinh tìm hiểu nghề dệt chiếu truyền thống Cà Hom – Bến Bạ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX. Từ chỗ tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc làm quà biếu và sản phẩm đạt chất lượng vượt hẳn các sản phẩm cùng loại nên chiếu Cà Hom – Bến Bạ dần dần nổi tiếng và trở thành hàng hóa từ những năm 1940 và được nhiều người biết đến trong những năm 1960 cho đến nay.

CH1

Lịch sử hình thành và phát triển làng nghề cũng có những thăng trầm. Ban đầu bắt nguồn từ một vài nghệ nhân biết nghề dệt vải như ông Mẹs, bà Phe, bà Hiếu nghiên cứu dùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương mài mò làm thử để sử dụng. Họ cũng dùng cây lát (cói) cắt đem về chẻ nhỏ, phơi khô. Tìm cây cha cha, ké đầu ngựa, rồi cây bố (đay) bốc vỏ se làm sợi. Và dùng tre gỗ làm khung, làm go, làm ghim để dệt. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong nhà, dần dần nhà này thấy nhà kia làm được nên cũng làm theo để khỏi phải mua. Buổi đầu chiếu thô, đơn giản chỉ là chiếu trắng, dần dần tay nghề cũng được nâng lên, đặc biệt một vài người đã biết lấy cây dang, cây mít để chế ra màu, dệt thành chiếu màu. Rồi nghề dạy nghề, những chiếc chiếu sau vừa mắt hơn, mịn tay hơn. Từ một vài khung lẻ tẻ ban đầu phát triển lên thêm. Đặc biệt, với sự mài mò, sáng tạo của các nghệ nhân, làng nghề đã để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như chiếu màu từ cây dang, cây nghệ với nhiều loại hoa văn đặc trưng riêng.

Để chế tác được một sản phẩm chiếu truyền thống cần có các nguyên liệu, công cụ và công đoạn chế tác như sau:

NGUYÊN LIỆU DỆT CHIẾU:

– Cây Lác (Cói):

Trước đây do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, nên làng nghề hoạt động chủ yếu vào mùa lác có nhiều (tháng Bảy).

Trước tiên lác cắt từ ruộng hoặc ở bãi bồi ven sông đem về khi còn tươi được người thợ rửa cho sạch bùn đất rồi so kỹ để chọn ra cở lác cho từng loại chiếu. Tiếp tục người thợ dùng dao chẻ lác, thường thì một cây lác được chẻ ra làm ba, cây lác nhỏ thì làm hai. Ngày nay ở nhiều nơi người ta chẻ lác bằng sợi dây cước nhỏ, bằng mô–tưa điện qua trục quay. Sau đó người ta đem đi phơi chứ không phải đưa vào lò sấy như ở một số làng chiếu hiện nay. Nếu lác phơi được nắng thì phải ba bốn nắng, gặp mưa thì vất vả hơn sáu bảy nắng lác mới khô. Lác được nắng thì sợi lác trắng dệt chiếu tốt, lác thiếu nắng hoặc bị mắc mưa sợi lác sẽ ngã màu đen khi dệt chiếu xấu, sử dụng không bền.

CH2

Lác còn gọi là cói. Lác dùng làm nguyên liệu dệt chiếu có hai loại: lác hến và lác gon. Làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ người ta dệt chiếu bằng cây lác này. Lác ngắn có chiều dài không quá 1 mét thì dành để dệt chiếu khổ dưới 1m x 2m, lác có chiều dài 1,6 đến 1,8 m thì dành để dệt chiếu khổ 1,6 x 2m. Chiều dài đôi chiếu phổ biến là 2m. Nhưng cũng có thể dài hơn tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Chiếu được khách hàng đặt dệt để làm công quả cho nhà chùa thường dài từ 5m đến 10m.

– Cây Bố (Đay):

Trước đây thì bà con làng nghề khai thác cây bố có trong tự nhiên, thường mọc ở vùng đất cao trên những giồng cát. Nhưng dần dần nguồn nguyên liệu này cũng cạn kiệt, những gia đình làm nghề dệt chiếu phải gieo trồng mới đủ đáp ứng.

Cây Bố có thân mềm, to bằng ngón chân cái người lớn. Thân cây có màu nâu đỏ như thân cây rau sam ruộng. Cây bố cao khoảng đầu người. Cây bố trổ hoa màu trắng. Trái bố màu nâu sần sùi, kết trái trên các cành nhánh. Khi trái chín người ta sẽ lấy hột để đến mùa vụ gieo trồng lại.

Sau khi bố được thu hoạch đem về, người ta dùng dao cạo sạch vỏ rồi bó cây bố thành từng bó lớn nhỏ khác nhau đem ngâm nước. Vài tuần sau khi ngâm, phần vỏ cây bố bong ra hết còn lại một lớp sợi trắng và chắt, bà con đem đi phơi cho khô, xé nhỏ se lại làm sợi gọi là dây trân để dệt.

Ngày nay, chỉ sợi công nghiệp đã dần dần thay thế cho sợi cây bố. Rất ít gia đình dệt chiếu bông, chiếu chữ còn sử dụng.

– Cây Tra:

Là loại cây có nhiều trong tự nhiên, sống dưới nước ven sông, kênh, rạch. Tra  thân thẳng, cây trung bình to hơn cổ tay, màu xám đen giống như cây bình bát. Phần gần trên ngọn cây có nhiều cành nhánh. Vỏ tra khá dày gồm lớp da mỏng bên ngoài và phần sơ. Khi thu hoạch người thợ làng nghề thường chọn những cây non vì vỏ mềm, dễ bốc ra. Vỏ tra khi lấy thì quấn lại thành từng bó rồi đem ngâm nước. Ngâm vài ngày vớt lên, người ta dùng dao cạo sạch màng da mỏng bên ngoài và đem phơi cho khô. Khi khô xé nhỏ se làm sợi. Sợi làm từ cây tra thì có màu xám đen chứ không trắng như sợi làm từ cây bố, độ bền, chắc cũng kém hơn. Ngoài ra, trước đây khi cây  bố, cây tra hiếm, dân làng nghề còn sử dụng cả cây ké đầu ngựa để làm sợi. Se sợi còn gọi là chấp trân. Công việc chấp trân cũng khá vất vả và tốn nhiều công sức, thời gian, đồng thời đòi hỏi người thợ phải nhẫn nại, chịu khó ngồi nhiều giờ liền. Thế nhưng, những người dân yêu nghề dệt chiếu thì chẳng mấy ai khá giả và cũng không bỏ nghề được.

Sợi bố, sợi tra sau khi xé nhỏ, phơi khô có chiều dài trung bình khoảng 1m,người thợ tiến hành se và chấp nối lại. Se sợi theo truyền thống có ba cách: se tay quấn vào gấp tre, se tay quấn vào ống tre qua hệ thống ròng rọc và se tay có khung quay gọi là quay trân. Ba cách se sợi này cũng để lại dấu ấn cải tiến của người dân làng nghề. Ban đầu se rồi quấn vào gấp tre thấy hiệu quả công việc không cao bà con nghĩ ra cách se sợi quấn vào ống tre qua hệ thống ròng rọc. Thế nhưng, cách làm này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, thế là khung quay ra đời. Khung quay vừa có chức năng quấn sợi, vừa có chức năng làm cho sợi săn lại.

Se sợi – quay trân mất rất nhiều thời gian. Ngày trước, người ta quay trân bằng tay, bây giờ, bà con nghiên cứu thiết kế được máy quay trân nên công việc này trở nên nhẹ nhàng hơn.  Hiện nay, loại sợi trân cho nghề dệt chiếu được sản xuất công nghiệp và có bán nhiều trên thị trường  phục vụ cho nhiều công việc khác, nên người thợ dệt chiếu chỉ cần mua mà không phải làm cực nhọc như trước.

NGUYÊN LIỆU TẠO MÀU:

Sản phẩm chiếu chiếu truyền thống Cà Hom – Bến Bạ ban đầu chỉ là trắng, nhưng qua thời gian với sự suy nghĩ, tìm tòi của người thợ, người ta đã phát hiện ra một vài loại cây có thể chiết xuất lấy màu nhuộm lác như cây dang tiếng Khmer gọi là cây xà – bẹnl, cây nghệ gọi là lờ – mịt.

– Cây Dang:

Loài cây mọc hoang, lá xanh thẫm giống như lá me, trên thân cành mọc vô số những chiếc gai nhọn.

Khi đi lấy cây dang người ta lấy phần gốc và rễ, đây là hai bộ phận tốt nhất để chế biến. Gốc, rễ đem về bốc bỏ phần vỏ ngoài, lấy phần gỗ vạc mỏng phơi khô, cho vào trã đất nấu sẽ lấy được một loại nước màu đỏ thắm. Trong quá trình nấu, người thợ lành nghề còn thêm vào một số nguyên liệu khác như: lá me chua, khế, cơm mẻ, phèn chua với liều lượng vừa đủ để có độ màu, độ dính nhất định khi nhuộm sẽ không phai. Đây chính là bí quyết làm chiếu truyền thống của làng nghề Cà Hom – Bến Bạ. Loại nước này được người thợ dùng để nhuộm sợi màu đỏ.

CH3

– Cây Nghệ:

Nghệ là loại cây thuộc họ gừng, có rễ và củ màu vàng được đông y coi là thần dược của sức khoẻ. Do có màu vàng rất tươi nên củ nghệ còn có tác dụng làm thuốc nhuộm. Nghệ nhân làng chiếu đã sử dụng nó chiết xuất ra màu vàng. Củ nghệ khi thu hoạch đem về cạo bỏ phần da bên ngoài, rửa sạch đem mài hoặc giã nhuyễn rồi cho vào nồi nấu. Để cho màu nhuộm giữ được bền lâu trên sợi lác, khi nấu các nghệ nhân cũng thêm vào lá me, cơm mẻ, phèn chua như khi nấu dang.

Ngày nay, nhờ có công nghệ phẩm màu phát triển, người ta đã dùng màu công nghiệp  thay thế cho màu chiết xuất từ thảo mộc.

Ngoài ra, trước đây một vài nghệ nhân còn sử dụng lại nước dang nhạt (đã qua vài lần nhuộm lác), nhuộm những sợi lác mới rồi đem ngâm dưới vũng bùn sẽ cho ra sợi lác màu tím xanh. Nhưng cách làm này rất ít người thực hiện.

Cách nhuộm: Lác khô cho vào nước lã rồi lấy ra cho vào trã  nước dang, nước nghệ đang đun sôi với lửa mạnh, để cho lác ngấm đều thì dớt ra, tiếp tục đun nước thật sôi cho lác vào lại. Làm ba lần như thế thì vớt lác ra cho vào khạp, dùng bao bố tời đậy kín lại, để ba ngày ba đêm mới lấy ra đem phơi nắng cho khô  mới dệt được.

CÔNG CỤ DỆT CHIẾU:

Công cụ dệt chiếu bao gồm nhiều bộ phận tách rời nhau như: cọc trụ hay còn gọi là cọc néo, thanh đòn (đòn ngang, đòn dàn) thanh chèn, bàn dập, ghế ngồi, cây chùi và một số dụng cụ hỗ trợ khác. Tiến hành dệt chiếu, trước hết, người thợ đóng 4 cọc nêm cách nhau xa gần tuỳ ý, nhưng thông thường cách nhau khoảng 6m đến 8m, có khi 10m và cột lên 4 cột nêm hai đòn  dàn bằng cây tre. Ở giữa có cây đòn ngang đỡ sợi. Đơn giản vậy là người thợ đã có được khung dệt. Sau đó người thợ mắc sợi dây trân lên khuôn dệt có ngựa đỡ thanh ngang ở giữa. Ngựa đỡ cũng chính là hai chiếc ghế đẩu (tiếng khmer gọi là chợn tặng). Điều đáng ghi nhớ ở đây là mắc dây trân lên hai đòn dàn phải mắc chui qua các lỗ của bàn dập theo cách, một đầu quấn vào đòn dàn đầu này rồi xỏ vào lỗ răng bàn dập, sau đó tiếp tục quấn vào đòn dàn phía bên kia. 

Trong nghề dệt chiếu có một loại dụng cụ được xem vừa rất kỹ thuật vừa rất nghệ thuật đó là chiếc bàn dập. Khung dọc của bàn dập có chiều dài tương đương với chiều ngang của chiếu được làm bằng gỗ, thường có các kích cỡ: 1m, 1.2m, 1.4m, 1.6m. Bàn dập được làm bằng tre, Chiều dài của bàn dập bằng chiều ngang của chiếu. Bàn dập có hai hàng răng làm bằng tre già vạc mỏng dựng dọc hai bên khung. Giữa răng có dùi hai hàng lỗ so le nhau để xỏ sợi dây trân mắc dọc. Lỗ răng của hàng bên này đúng vào khe của hàng răng bên kia. Tuỳ theo khổ chiếu sẽ dệt mà mỗi bàn dập có số lượng lỗ răng để mắc dây trân khác nhau.Chẳng hạn như chiếu khổ 0,6 x 2m, số dây trân là 48 sợi; Chiếu khổ 1,6 x 2m thì số dây trân là 112 sợi. Mỗi sợi dây trân trên khung dệt cách nhau độ 1 cm và đều được mắc  chui qua một cái lỗ trống trên bàn dập. Do kỹ thuật đóng răng và dùi lỗ của người thợ mà bàn dập có chức năng tạo sợi dọc thành long mốt. Cũng do kỹ thuật đóng răng và dùi lỗ đó mà bàn dập đã chia đều khoảng cách một cách chắc chắn 1cm các sợi dọc và nêm khích các sợi ngang. Bàn dập này người ta còn  gọi là cái go – một từ giống như từ gọi dụng cụ nghề dệt vải.

Do khác cỡ nên go không dùng chung mà mgười ta sản xuất mỗi chiếc go dùng để dệt mỗi loại chiếu khác nhau. Thợ đóng chiếc go này trong nghề dệt chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ cũng rất kén người.

Cây chùi có nơi gọi là que chao làm bằng tre, đầu vạc nhọn có dùi một lỗ để quấn sợi lác. Cây chùi có chức năng như các thoi dệt vải dùng để lao sợi lác. Tùy theo khung dệt mà cây chùi có kích cỡ khác nhau. Nếu dệt chiếu 1m  thì sử dụng cây chùi 1.5m; nếu dệt chiếu 1.2m, 1.4m, 1.6m thì sử dụng cây chùi 2m. Đường kính cây chùi khoảng 2cm.

CÔNG ĐOẠN DỆT CHIẾU:

 Công việc đầu tiên khi tiến hành dệt chiếu là mắc sợi dọc còn gọi là căng trân hay kéo trân. Kéo trân một đầu quấn vào đòn ngang, đầu kia xỏ vào lỗ răng, khe răng bàn dập rồi quấn vào đòn dàn.

Công việc kế tiếp là đảo lác, chọn màu. Vì phần gốc lác thường bền và to hơn phần ngọn, nên khi dệt người chùi lác phải đảo lác xen kẽ gốc ngọn để chiếu phẳng, bền. Đồng thời, người chùi lác còn phải chọn màu để tạo hoa văn trên chiếu.

Dệt chiếu: Khidệt chiếu cần có hai hoặc ba người thợ thường thì hai người. Một người làm công việc dập khuôn và bẻ biên người kia thì chùi lác. Người dệt ngồi phía trong khung trên một chiếc ghế kê phía dưới,  hai tay cầm bàn go tức bàn dập vừa đưa thẳng tầm tay về phía trước rồi dập mạnh vào cho từng sợi lác nằm khít vào nhau. Xong động tác này, người thợ dập cũng đồng thời điều khiển chiếc bàn dập lật theo chiều ngược lại để cho hàng dây trân dưới bây giờ đảo lên trên, tạo thành chế độ một sợi trên, một sợi dưới ngược lại để cho người thợ kia tiếp tục chùi lác vào mà người ta gọi là đan Long mốt. Người chùi lác ngồi bên ngoài xỏ lác vào đầu cây chùi lao vào giữa hai lớp sợi dọc rồi rút cây trở lại. Người chùi liên tục phải đảo lác và chọn màu. Đối với người dập, ngoài công việc dập sợi cho sát vào nhau, còn có nhiêm vụ bẻ biên mỗi sợi lác khi dập xong. Nếu dệt chiếu bông, chiếu chữ, chiếu hoa văn hình tháp thì người dập còn phải biết bắt, đè trân phối hợp với người chùi. Khi chiều dài của chiếu đã đủ thì người thợ cắt các sợi dọc  buộc vào nhau thành từng đôi một rồi đánh lại thành biên ngang. Thời gian sau này, người thợ còn dùng bàn chảy cước chà lên mặt chiếu cho chiếu sạch, và dùng vải may biên cho đẹp.

Đến đây, công đoạn dệt chiếu xem như đã hoàn thành. Trong quá trình dệt chiếu, người ta phải thoa dầu dừa hoặc nến (đèn cầy) vào sợi trân để cho sợi trân trơn, dễ chùi lác, đồng thời làm cho mặt chiếu trở nên bóng sau khi dệt xong. Để được chiếc chiếu có chiều dài 2 m, người thợ phải bện vào đây  khoảng 1.400 sợi lác.Với kỹ thuật dệt chiếu trên khung dệt nằm có ngựa đỡ sợi, chiếu làm ra rất đẹp, sợi đan đều. Nhờ sợi trân được căng trên khung có ngựa đỡ nên thuận lợi cho người trao sợi lác. Đây là động tác giúp cho người thợ đẩy nhanh tốc độ dệt chiếu.

Sản phẩm ban đầu của làng nghề chỉ là chiếu trơn (chiếu trắng) sau đó mới có chiếu màu. Sự ra đời của chiếu màu là cả một quá trình tìm tòi gian nan, vất vả mất nhiều thời gian từ lúc tìm nguyên liệu đến khi chế biến nguyên liệu. Chiếu màu truyền thống Cà Hom – Bến Bạ có ba màu, màu trắng của lác, màu đỏ của dang và màu vàng của nghệ.

Đến với làng nghề ngày nay, chúng ta không còn tìm được sản phẩm chiếu từ cây dang, cây nghệ nổi tiếng ngày nào, mà nó chỉ còn lưu lại đâu đó trong ký ức của những nghệ nhân một thuở đã gắn bó với làng nghề. Trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề dệt chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ cũng đang dần chuyển mình theo phương thức và công nghệ mới. Sợi ny lon, phẩm màu công nghiệp đã thay thế dây bố, dây tra, nước dang, nước nghệ. Hiện tại, làng nghề có 37 ha đất trồng lác với 450 hộ dệt chiếu. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp trong đó có đất trồng  lác đang bị thu hẹp dần do tốc độ phát triển các khu công nghiệp du lịch và thương mại. Nhiều dịch vụ, ngành nghề thu hút người lao động với mức thu nhập khá hơn. Người thợ dệt làng nghề đang đứng trước sự lựa chọn đầy trăn trở, số lượng nghệ nhân biết bí quyết nhuộm và dệt chiếu truyền thồng dần đang lớn tuổi theo thời gian nên làng nghề chiếu Cà Hom – Bến Bạ đang có nguy cơ mai một cao. Vì vậy, cần phải có giải pháp bảo tồn, phát huy hợp lý, cần có phương án, kế hoạch tiếp tục đầu tư để khôi phục nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Hom – Bến Bạ tiếp tục duy trì và phát triển./.

Bài: Hoàng Tuấn (Tổng hợp); Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh