English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Phát triển du lịch Cầu Kè thân thiện, đa dạng và đặc sắc

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Trà Vinh nằm phía Tây – Bắc cách trung tâm tỉnh lỵ ba mươi chín ki-lo-met bên bờ tả ngạn sông Hậu. Với những ưu thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, có tuyến quốc lộ 54 đi qua và có truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa đa dân tộc, đa tôn giáo… tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trở thành đầu mối giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, việc phát triển nhiều loại hình du lịch, dựa vào tiềm năng thế mạnh của huyện là một trong những chiến lược trọng tâm. Với nhiều loại hình du lịch được hình thành tại đây: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch truyền thống, du lịch văn hoá thông qua những lễ hội, di tích lịch sử cách mạng… Bởi Cầu Kè là vùng đất có bề dày lịch sử, là cái nôi cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mỗi xóm ấp, mỗi phum sóc đều ẩn chứa nhiều bí mật cần nghiên cứu, khám phá. Cầu Kè còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa được hình thành bởi cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trải qua hàng trăm năm chắt chiu gìn giữ và lưu truyền đời đời cho con cháu. Thêm vào đó, Cầu Kè có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn, với nhiều chủng loài trái cây đặc sản nổi tiếng… Tất cả những yếu tố đó, là lợi thế rất lớn để Cầu Kè phát triển ngành kinh tế du lịch.

Toàn cảnh thị trấn Cầu Kè

Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế của huyện, lãnh đạo Cầu Kè đã đề ra định hướng phát triển ngành du lịch mà nhiều người còn gọi là ngành “công nghiệp không khói” từ khá sớm. Tại Nghị quyết số 04-NQ/TU của Huyện uỷ Cầu Kè vào năm 2007 đưa ra mục tiêu “Nâng cao hiệu quả kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái, văn hóa truyền thống”, với quyết tâm phát triển ngành “công nghiệp không khói” trở thành mũi nhọn của huyện. Những năm gần đây sự quyết tâm đó càng cao hơn, khi kết quả đạt được trong thời gian qua từ du lịch mang lại là rất khả quan. Trung bình hằng năm có khoảng 30.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch; nhiều du lịch tư nhân hình thành và đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả… Từ những thành tựu đạt được, huyện Cầu Kè tiếp tục đề ra những chiến lược phát triển dài hơi hơn: tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch văn hoá truyền thống, liên kết chuỗi du lịch gồm du lịch sinh thái, tâm linh gắn với lễ hội trái cây ngon, dịch vụ Homestay, kết nối tua, tuyến với các điểm du lịch trong tỉnh và liên vùng… nhất là khi có sự tích cực chung tay của người dân, cùng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, huyện, cụ thể là Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời hỗ trợ đến các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài huyện. Tất cả đã góp phần quan trọng đưa du lịch Cầu Kè phát triển khá phong phú và đa dạng.

Nói về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: Trong năm 2023 và những năm tiếp theo Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện sẽ chú trọng đến lĩnh vực du lịch và xem đây là một trong những nhiệm vụ đột phá để đưa kinh tế của huyện ngày một phát triển hơn. Để làm được đều này thì trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục mời gọi các nhà công ty, doanh nghiệp đến đầu tư các ngành nghề phục vụ du lịch, tọa đàm, kết nối, quảng bá và mở rộng các điểm du lịch hiện có của huyện, đồng thời cũng tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trên để đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các dân tiếp cận được các nguồn hỗ trợ của Nhà nước trên lĩnh vực du lịch, làm sao để các hộ này có điều kiện đầu tư, mở rộng phát triển du lịch. Ngoài ra thì chúng tôi cũng chú trọng đến công tác cải cách hành chính và tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ổn định, nhằm tạo môi trường thuận lợi để làm sao thu hút nhà đầu tư đến kinh doanh cũng như thu hút khách phát triển du lịch Cầu Kè theo hướng thân thiện, đa dạng và đặc sắc”.

Có thể khẳng định Cầu Kè hôm nay đã là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi có dịp về với Trà Vinh. Đến thị trấn Cầu Kè và một số xã lân cận Hoà Ân, Tam Ngãi vào tháng Bảy âm lịch hàng năm, du khách sẽ được tham gia lễ hội Cúng ông Bổn, còn gọi là Vu lan Thắng hội, địa điểm chính là Vạn Niên Phong Cung, ở khóm 1, thị trấn Cầu Kè và Minh Đức Cung, ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân. Vạn Niên Phong Cung và Minh Đức Cung là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn kiến trúc của đồng bào người Hoa. Ông Bổn, hay còn gọi là Bổn Đầu Công, tên thật là Trịnh Tu Hòa, vốn là quan thái giám được hoàng đế nhà Minh cử đi sứ nhằm thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á, tạo điều kiện dễ dàng cho người Hoa di cư làm ăn sinh sống. Sau khi ông mất, vua nhà Minh ban sắc phong thần và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp. Chính vì thế, Ông Bổn được xem là vị phúc thần phò trợ cuộc sống an lành của các thế hệ Hoa kiều ở đất khách quê người. Vu Lan Thắng hội là một trong những lễ hội dân gian truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Ông Bổn của cộng đồng người Hoa ở Trà Vinh, cũng như các tỉnh Nam bộ, với nhiều lễ thức, sinh hoạt văn hóa liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ, trong đó có nghi thức “đạp đồng nhập xác” đi trên than hồng, đi trên mảnh chai, cắt lưỡi lấy máu vẽ bùa… rất ly kỳ và huyền bí, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách thập phương gần xa về đây trẩy hội.

Nghi thức cắt lưỡi một trong những nghi thức trong lễ Vu Lan Thắng hội

Tại thị trấn Cầu Kè, du khách còn có thể tham quan các công trình kiến trúc cổ của người Việt như: đình Thần Hòa Thinh, chùa Phật Vạn Hòa hay những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng như chùa Tà Thiêu, chùa Chợ (thị trấn Cầu Kè), nhất là đến thăm nhà cổ Huỳnh Kỳ (nhà cổ Cầu Kè) để được nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ và được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20. Ngôi nhà, mang dấu ấn văn hóa riêng theo phong cách trang trí tiêu biểu của kiến trúc Pháp, được xem là tiêu biểu cho lối điêu khắc và hội họa phát triển lúc bấy giờ. Bắt mắt nhất vẫn là những viên gạch men chúng gần như bền màu với thời gian. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có 64 cơ sở phục vụ sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng cộng đồng, cùng hệ thống các miếu thờ nổi bật của người Hoa và những ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo. Đây là lợi thế trong phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn huyện.

Rời trung tâm huyện Cầu Kè theo hướng Tây, du khách bước chân vào vùng đất Hòa Ân, có thể gọi là “thủ phủ dừa sáp”, có người còn ví von “đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì coi như chưa đi”. Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng dừa sáp lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, rộng hàng ngàn hecta với sản lượng dừa đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Đến đây, du khách sẽ được người nông dân Khmer hiền lành và hiếu khách chế biến mời thưởng thức một ly dừa sáp mềm, dẻo, hương vị thơm ngon hoà quyện cùng vị béo, chắc hẳn mang lại cảm giác khó quên. Ngoài ra, còn được giới thiệu về cách chọn giống, trồng, chăm sóc, cách phân biệt trái dừa sáp và trái dừa không sáp (vì đặc điểm của dừa sáp thông thường chỉ cho trái từ 02 – 03 trái sáp/buồng); kết hợp với hướng dẫn thử bổ sao cho trái dừa sáp vỡ đôi mà không chảy mật sáp ra ngoài… Hiện nay, dừa sáp Cầu Kè còn dùng để chế biến kem, bánh, kẹo, nước giải khát, mỹ phẩm và dược phẩm; được chứng nhận thương hiệu Vicosap và chứng nhận sản phẩm OCOP, đã đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp, rất tiện lợi cho du khách mua làm quà tặng, như: mứt dừa sáp, dừa sáp hút chân không; kẹo dừa sáp ba vị (nguyên chất, ca-cao, lá dứa); dừa sáp sợi; dừa sáp sấy khô giòn tan; sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan; bánh dinh dưỡng dừa sáp ba vị (chuối, khoai lang, bí đỏ); sữa chua uống dừa sáp…

Dừa sáp Cầu Kè

Ngoài lợi thế và tiềm năng sẵn có, thì một trong những yếu tố giữ chân khách lưu lại lâu hơn tại Cầu Kè là việc hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch đã ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ lưu trú, homestay được hình thành. Chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ người dân phát triển cơ sở, nâng chất dịch vụ, chỉnh trang nhà vườn, thiết kế cảnh quan đáp ứng nhu cầu du khách ngày càng tăng. Trong đó phải kể đến: điểm du lịch Nam Sơn của ông Nguyễn Văn Ca, ở xã An Phú Tân, đã đầu tư xây một số homestay cho khách lưu trú, một số trò chơi cho trẻ em và dịch vụ ăn uống ở trên thuyền cũng như trên bờ để đón tiếp khách gần xa đến với quê hương Cầu Kè; tiếp đến Khu du lịch sinh thái SươnSia Homestay tại ấp Bà My, xã Hòa Ân của chủ hộ ông Sươn Sia – người dân tộc Khmer. Với không gian 10.000m2 vườn dừa và một số loại cây ăn trái khác nhau, có mười phòng ngủ đầy đủ tiện nghi và nhà hàng có thể phục vụ từ bốn mươi đến tám mươi khách. Đến với Suonsia Homestay là đến với trải nghiệm khám phá sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Ngoài ra, du khách còn có dịp hòa mình vào đời sống thực tế sinh hoạt đậm chất miệt vườn Nam bộ, cùng với người dân tát mương bắt cá; du ngoạn trên những chiếc đạp xe trong khung cảnh làng quê yên bình; hay khám phá vẻ đẹp hoang sơ làng quê sông nước và thưởng thức các món ăn mang đậm nét Nam bộ: canh chua cá bông lau bông súng, cá rô kho tộ, cá lóc nướng trui…và một số Homestay khác cũng sẽ cho du khách nhiều khám phá trải nghiệm thú vị.

Một góc Suonsia Homestay ở Cầu Kè

Là địa phương nổi tiếng với truyền thống cách mạng với những tấm gương anh hùng bất khuất, anh dũng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có thể kể đến điểm du lịch truyền thống nổi tiếng hiện nay tại Cầu Kè là Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, cách thị trấn Cầu Kè chừng bảy cây số. Hình tượng chị Út đã trở thành niềm tự hào của mảnh đất Cầu Kè, đồng thời còn là tấm gương để các thế hệ hôm nay noi theo. Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út được xây dựng bố trí, sắp xếp tái hiện lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Út năm xưa và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của chị Út trong thời kì chiến tranh, đặc biệt là dựng tượng nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tại trung tâm khuôn viên Khu tưởng niệm, bức tượng được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời dặn dò các con trước khi ra chiến trường, đây được xem là địa chỉ đỏ để du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của chị Út nói riêng, của Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện Cầu Kè nói chung.

Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch)

Trên dòng sông Hậu hiền hoà, thơ mộng, quanh năm gom phù sa bồi đắp đã tạo nên điều kiện rất thuận lợi cho Cầu Kè phát triển khu du lịch sinh thái miệt vườn. Ven tuyến sông này, Cù lao Tân Quy và Cồn An Lộc nổi bật lên giữa vùng sông nước mênh mông với một gam màu xanh tươi của cây lá, trên chiếc thuyền bồng bềnh hay trên con đò xuôi ngược, du khách có thể ngắm nhìn cảnh sông nước hữu tình, tận hưởng không khí mát lành, sảng khoái. Với tổng diện tích 510 ha, nơi đây có nhiều vườn cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nhãn tím… Theo một tư liệu khoa học công bố đầu thập niên 2010, khẳng định cù lao Tân Qui hiện diện hơn 70 chủng loài cây ăn trái, trong đó măng cụt Tân Qui có sản lượng lớn, chất lượng ngon và ổn định, là đặc sản nổi tiếng của cả vùng đất ven sông Hậu này.

Mùa chôm chôm ở Cù lao Tân Qui

Tận dụng điều kiện sẵn có, nhiều nhà vườn ở đây đã nhạy bén trong chuyện làm ăn, vào mùa trái cây chín ngoài việc hái trái cây bán cho thương lái thì nhà vườn còn mở dịch vụ cho khách tham quan, chụp hình và tự hái trái ăn tại vườn, kết hợp với việc thưởng thức nhiều món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn. Ở phía đầu mõm cù lao Tân Qui, có một cồn cát nổi lên hình thành bãi tắm nước ngọt trải dài có tên rất thơ là Cồn Tiên, là điểm đến khá lý tưởng và ấn tượng với những ai một lần ghé lại nơi này. Ngoài được tận hưởng một không khí trong lành, thơ mộng, thưởng thức hương vị thơm ngon của trái cây miệt vườn, du khách sẽ thích thú hơn khi được tận hưởng cảm giác đi xe đạp, tắm sông, chèo thuyền ngắm sông nước, ngắm vườn cây trái nối tiếp nhau xanh ngút ngàn hoặc nếu ở lại qua đêm, du khách có thể xuống thuyền khám phá “du lịch mạo hiểm”, phiêu lưu một chuyến “săn cá Bông lau” cùng với người dân xứ vườn nhiệt tình, hiếu khách. Họ sẽ kể cho nghe những huyền tích hào hùng của các thế hệ cư dân cù lao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Chắc chắn, sẽ không thể nào hình dung nổi, trong lòng cù lao mỏng manh chỉ có duy nhất một con đường nhỏ độc đạo uốn lượn bao bọc lấy xứ miệt vườn này, đã từng là căn cứ trường kỳ của Cục Hậu cần Quân khu 9, của Ban Chỉ huy Tiền phương Mặt trận Vĩnh Trà, của  Phân ban Khu ủy và Ban Giao bưu vận khu Tây Nam bộ… Tất cả sẽ đưa du khách vào một thế giới mới, thế giới của sự khám phá thú vị và đặc biệt ở nơi đây luôn yên bình, mọi vất vả lo toan của cuộc sống xô bồ thường nhật sẽ quên đi, chỉ còn lại cảm giác thư thái và vui vẻ.

Một góc Cù Lao Tân Qui

Rời Cầu Kè lòng tôi thấy bâng khuâng, những ấn tượng về một Cầu Kè đang trên đà phát triển không ngừng, nhìn phố thị nhộn nhịp đông vui, nhìn những cây cầu bê tông cốt thép vững chắc, những con đường lộ nhựa phẳng lì, thênh thang, những dãy nhà mái ngói đỏ tươi, mọc lên san sát, đâu đó là những nhà cao tầng khang trang, hai bên đường đầy hoa đỏ, tím, vàng đua nhau khoe sắc trong ánh nắng lung linh… chắc chắn sẽ làm say lòng người. Và sẽ không thể nào quên về những loại hình du lịch tại Cầu Kè mà tôi đã được khám phá trong chuyến đi lần này, với đầy sự ly kỳ, thích thú. Cầu Kè giờ đây đã và đang chung tay xây dựng nông thôn mới trở thành nông thôn mới nâng cao với biết bao sự đổi thay và phát triển. Phải chăng trong chiến tranh Cầu Kè là mảnh đất anh hùng với rất nhiều những chiến công lừng lẫy, với biết bao mất mát hy sinh của các thế hệ cha ông, tất cả sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước đã giúp Cầu Kè hôm nay dù vẫn còn khó khăn nhất định nhưng với ý chí, sự quyết tâm của toàn đảng, toàn quân và toàn dân, Cầu Kè sẽ vững bước đi lên, trở thành huyện xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, trong đó công tác đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân để phát triển mạnh hơn các loại hình du lịch, sẽ là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho Cầu Kè tiếp tục phát triển trong tương lai./.

Tin, ảnh: Ngô Tuyền