English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Điểm nhấn du lịch Trà Vinh, Du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

 

Trong những năm qua, doanh thu về du lịch của Trà Vinh vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế. Để tăng nguồn thu về du lịch, Trà Vinh đã và đang tăng cường các biện pháp để phát triển ngành du lịch, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó có ngành du lịch. Trước thềm năm mới, ông Trần Thanh Thưởng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành cho phóng viên cuộc trao đổi xoay quanh nội dung này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Xin ông cho biết sơ bộ về hiện trạng và lợi thế của ngành du lịch Trà Vinh?
Ông Trần Thanh Thưởng:
Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử với những di tích lịch sử, văn hóa và chùa chiền, danh lam thắng cảnh, cảnh vật (cây xanh, biển, sông nước, vườn cây ăn trái…), tạo cho Trà Vinh một nét riêng biệt trong nét đặc trưng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, ngành du lịch Trà Vinh tập trung khai thác các tuyến, điểm du lịch như: khu di tích Đền thờ Bác Hồ (Đền thờ Bác Hồ, công trình mô hình nhà sàn Bác Hồ), khu di tích lịch sử, văn hóa ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, rừng đước Long Khánh, khu di tích Bến Tiếp nhận Cồn Tàu (Đường Hồ Chí Minh trên biển), vườn cây ăn trái ở cù lao Tân Qui và tiêu biểu là loại hình du lịch văn hóa tâm linh với 141 ngôi chùa Khmer cổ kính trải khắp các huyện và thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, ở Trà Vinh còn có các lễ hội thu hút đông đảo du khách trong ngoài tỉnh, như lễ hội Nghinh Ông ở Cầu Ngang, lễ hội Ok – Om – Bok ở thành phố Trà Vinh, lễ Vu Lan thắng hội ở Cầu Kè, lễ hội Nguyên tiêu diễn ra ở các chùa.
Ngành du lịch Trà Vinh đang tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tu bổ, tôn tạo các khu di tích văn hóa lịch sử, như Đền thờ Bác Hồ, ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng văn hóa Khmer, khu di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II, khu căn cứ Tỉnh ủy, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch)… nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và phục vụ khách du lịch tham quan, nghiên cứu. trong năm 2012, tỉnh Trà vinh đón 270.000 lượt khách, trong đó có 5.800 lượt khách quốc tế, tăng 8.8% so cùng kỳ; doanh thu 74,29 tỷ đồng, đạt 103,89% kế hoạch, tăng 15,32% so cùng kỳ và GDP về dịch vụ của tỉnh.
Ngành du lịch hiện có các lợi thế cần khai thác tốt trong thời gian tới, như được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và đặc biệt tại Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ IX (2010 – 2015) đã khẳng định: “Phát triển mạnh các loại hình du lịch, chú ý du lịch sinh thái, du lịch ven sông, ven biển, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các điểm du lịch. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh,… áp dụng một số cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi để phát triển nhanh ngành du lịch”. Lợi thế thứ hai nữa là, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Trà Vinh có nhiều nét đặc sắc, thuận lợi cho phát triển du lịch. Trà Vinh có biển, có rừng, có đồng bằng, nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu với các cù lao cây trái quanh năm.
Phóng viên: Theo ông, cái được của ngành du lịch Trà Vinh trong thời gian qua và mục tiêu sắp tới để phát triển xứng tầm?
Ông Trần Thanh Thưởng:
Thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến của tỉnh đã gây được sự chú ý, quan tâm của các thành phần kinh tế, nhất là các thành phần kinh tế trong tỉnh đã đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhất là ở thành phố Trà Vinh. Toàn tỉnh hiện có 68 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó nổi bật là khu du lịch DèJáVu – Huỳnh Kha, phường 4, thành phố Trà Vinh có tổng diện tích 10ha, được xây dựng nhiều hạng mục như nhà hàng, vũ trường, khu dã ngoại với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch.
Cái được cơ bản của du lịch Trà Vinh là công tác quản lý Nhà nước được triển khai tốt, kịp thời phổ biến những quy định, chính sách của Nhà nước về du lịch đến các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ kinh phí của các bộ, ngành Trung ương. Dù doanh thu và lượt khách du lịch tuy còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng, nhưng du lịch Trà Vinh đã có mức tăng trưởng khá ổn định, kéo theo các ngành dịch vụ khác phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Mục tiêu sắp tới của ngành du lịch Trà Vinh là rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển du lịch Trà Vinh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tu bổ, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa, chú ý đến 141 ngôi chùa Khmer cổ kính mang bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ và các lễ hội truyền thống của địa phương; tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng các loại hình du lịch sinh thái tại khu du lịch biển Ba Động và các cù lao như cù lao Long Trị, cù lao Tân Qui, cồn Hô, cù lao Long Hòa, Hòa Minh… xây dựng hoàn chỉnh các tuyến điểm du lịch mang sắc thái bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng của vùng đất Trà Vinh; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đã và sẽ liên kết với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang khai thác thành công và khi xây dựng xong cầu Cổ Chiên tạo thành “Cung đường du lịch sinh thái” nhằm thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư và khách du lịch, đặc biệt là các hãng lữ hành du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Những cái khó của du lịch Trà Vinh hiện nay?
Ông Trần Thanh Thưởng:
Cái khó của ngành du lịch Trà Vinh là cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ. Du lịch biển một trong những lợi thế của tỉnh, nhưng hệ thống giao thông đầu tư chưa hoàn chỉnh. Thêm nữa, khu du lịch biển Ba Động hiện nay, mỗi khi triều cường lên cao, nước biển xâm hại, bị sạt lở nghiêm trọng, đã làm giảm đáng kể lượng khách đến đây tham quan, nghỉ mát. Đồng thời, ngành du lịch chưa xây dựng được mô hình du lịch sinh thái, nhất là du lịch sinh thái miệt vườn tại các cù lao để kết nối tour, tuyến với các tỉnh trong khu vực và các hãng lữ hành để đưa du khách đến Trà Vinh. Cái khó nữa là, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh chưa đầu tư, khai thác tốt lĩnh vực lữ hành, thiếu phương tiện vận chuyển khách du lịch, phương tiện vận chuyển đường thủy (tàu du lịch) hầu như chưa có để phục vụ du khách; chưa khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để quảng bá, tiếp thị du lịch ra bên ngoài. Ngoài ra, nguồn nhân lực của ngành du lịch hiện nay (kể cả nhân lực quản lý Nhà nước lĩnh vực ngành và nhân lực hoạt động lữ hành) từ tỉnh đến cơ sở vừa yếu, vừa thiếu.
Phóng viên: Điểm nhấn của ngành du lịch Trà Vinh hiện nay?
Ông Trần Thanh Thưởng:
Trà Vinh là vùng đất phong phú về tiềm năng du lịch và cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đang được tỉnh từng bước đầu tư. Điểm nhấn của du lịch Trà Vinh hiện nay là du lịch văn hóa của các dân tộc ở địa phương. Đó là 141 ngôi chùa Khmer cổ kính, cùng các lễ hội truyền thống đặc trưng và rất riêng biệt thu hút đông đảo du khách, như lễ hội Nghinh Ông (cúng biển) của người Kinh, lễ hội Ok – Om – Bok của đồng bào Khmer, Vu Lan thắng hội của người Hoa.
Phóng viên: Xin cám ơn giám đốc dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị này!

Trần Lê Nguyên (thực hiện) nguồn:Báo Trà Vinh.