English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Buổi tư vấn Du lịch và Phát triển bền vững tại Cồn Chim

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Trong khuôn khổ gói công việc số 4 (WP4) thuộc dự án TOURIST*, ngày 29/8/2020, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (CVSEAS) đã tổ chức buổi tư vấn phát triển bền vững tại cù lao Chim thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Buổi tư vấn do GS.Chung Hoàng Chương – Trung tâm Nghiên cứu Quốc chủ trì, cùng với sự tham gia của TS.Trần Đình Lâm – Giám đốc CVSEAS, TS. Nguyễn Văn Chất – Giảng viên Khoa Du lịch, TS. Tạ Duy Linh – Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Trà Vinh, cùng các bạn sinh viên Trung tâm TOURIST.

Cồn Chim là một cù lao nhỏ nằm ở trên sông Cổ Chiên thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cách thành phố Trà Vinh khoảng 15km về hướng Đông Bắc và cách TP. Hồ Chí Minh 140 km theo tuyến quốc lộ 60. Từ tháng 9/2019, mô hình du lịch thuận thiên với phương châm “Về Cồn Chim – Người quê chỉ có tấm lòng” đã được triển khai và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng địa phương. Tại Cồn Chim, người dân vẫn giữ nguyên nếp sống và sinh kế truyền thống. Mỗi ngày, Cồn Chim chỉ đón tối đa 100 khách du lịch để đảm bảo môi trường sinh thái trên cồn được phục hồi. Các phương tiện gây ô nhiễm môi trường như xe máy được hạn chế sử dụng, rác thải nhựa được hạn chế đến mức tối đa. Đặc biệt, những sản vật phục vụ du khách đều được khai thác trực tiếp trên cù lao theo mô hình hữu cơ không sử dụng chất hóa học. Mỗi hộ gia đình tại Cồn Chim đều kinh doanh một sản phẩm du lịch đặc trưng như trò chơi dân gian, xe đạp, bánh xèo, bánh lá, nước dừa,…

Tại Cồn Chim, nhóm chuyên gia dự án TOURIST đã tổ chức buổi tư vấn về phát triển du lịch bền vững cho đại diện các hộ dân và đại diện ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. GS. Chung Hoàng Chương – Chủ tọa Buổi tập huấn – đã giới thiệu 04 trụ cột phát triển bền vững, bao gồm: kinh tế, môi trường, xã hội và sức khỏe. Liên hệ với thực tế mô hình phát triển ở Cồn Chim, Giáo sư nhấn mạnh sự hòa hợp với thiên nhiên là một yếu tố hàng đầu để thu hút du khách và xây dựng thương hiệu du lịch. Chia sẻ thêm tại buổi tư vấn, TS. Nguyễn Văn Chất đã giải thích về mô hình “từ đồng ruộng đến bàn ăn”, theo đó cộng đồng địa phương đã khai thác các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học. Điều này vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng phục vụ du khách vừa duy trì sự bền vững trong canh tác tại Cồn Chim.

GS. Chung Hoàng Chương – Chủ tọa Buổi tập huấn

Trong phần hỏi đáp sau tư vấn, bác Tư Chiến – đại diện cho các hộ nông dân cho biết sinh kế chính của bà con nơi đây vẫn là nông nghiệp, du lịch không chỉ giúp bà con có thể tăng thêm thu nhập mà còn giúp nông sản địa phương như lúa gạo, thủy sản được tiêu thụ tại chỗ khi du khách có nhu cầu. Bà con đã tuân thủ theo nguyên tắc không sử dụng chất hóa học trong nuôi trồng thủy sản và trồng lúa, đảm bảo chất lượng nông sản tốt nhất và không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần gia tăng sự gắn kết cộng đồng thông qua các hoạt động tương trợ giữa các hộ kinh doanh vào giờ cao điểm khi có đông du khách tham quan. Dù mới bắt đầu làm du lịch, bà con Cồn Chim đã từng bước hình thành ý thức về việc phục vụ du khách và phấn khởi về giá trị gia tăng do dịch vụ du lịch đem lại.

Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, TS.Tạ Duy Linh đã bày tỏ những khó khăn trong thời gian đầu giới thiệu phát triển du lịch cho bà con. TS. Tạ Duy Linh cho biết, khó khăn lớn nhất chính là việc thuyết phục người dân đồng ý khai thác du lịch và tạo sự tin tưởng – hợp tác giữa bà con và đơn vị tư vấn du lịch. Ban đầu, bà con vẫn còn dè dặt với mô hình nhưng sau khi được tập huấn kiến thức và nhận thức được những lợi ích kinh tế do du lịch mang lại, bà con đã ủng hộ và mong muốn đẩy mạnh mô hình này. Hiện nay người dân trên cù lao đang tiến hành xây dựng các khu nhà homestay dành cho du khách. Dự kiến trong thời gian tới, Cồn Chim sẽ mở cửa đón du khách lưu trú qua đêm, đặc biệt là du khách quốc tế, góp phần đa dạng hóa và tăng nguồn thu từ du lịch cho người dân địa phương.

Với vai trò đại diện ngành du lịch tỉnh, ông Nguyễn Minh Tuấn đã trả lời nhiều câu hỏi và vấn đề của Đoàn chuyên gia TOURIST nêu ra tại buổi tư vấn. Ông Tuấn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh hết sức ủng hộ các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Cồn Chim. Trong tương lai, bà con khu vực xã Hòa Minh sẽ được tỉnh Trà Vinh đầu tư thêm về hạ tầng giao thông, nước sạch, vệ sinh để đủ điều kiện tiếp đón du khách quốc tế. Ngành du lịch tỉnh Trà Vinh mong muốn được các nhà khoa học, các giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp sức để phát triển bền vững các điểm du lịch ở Trà Vinh, cũng như liên kết với các tỉnh lân cận là Vĩnh Long và Bến Tre để hình thành nên một tuyến du lịchkết nối khu vực sông Hàm Luông – Cổ Chiên.

Phát biểu kết thúc buổi tư vấn TS. Trần Đình Lâm đã cám ơn chính quyền địa phương, các hộ dân và các thành viên tham dự đã chung sức xây dựng mô hình du lịch công đồng.

Hàng thứ hai: TS. Nguyễn Văn Chấ(thứ ba từ trái sang) GS. Chung Hoàng Chương (thứ tư từ trái sang), ông Nguyễn Minh Tuấn (thứ năm từ trái sang), TS. Trần Đình Lâm (thứ sáu từ trái sang) và TS. Tạ Duy Linh (thứ bảy từ trái sang)

Thông qua chuyến đi, dự án TOURIST đã được quảng bá rộng rãi đến với người dân địa phương và ngành du lịch tỉnh. Bên cạnh đó,các em sinh viên thuộc dự án TOURIST đã được học hỏi và trải nghiệm thực tế mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc ở cù lao sông Cổ Chiên, qua đó rút ra được những bài học thực tế về phát triển du lịch bền vững cũng như những giải pháp để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID – 19.

(*) Dự án “Phát triển du lịch bền vững và các chính sách đổi mới trong quản lý tài chính nhằm nâng cao hiệu quả tích cực cho nền du lịch Thái Lan và Việt Nam” (Competence centres for the development of sustainable tourism and innovative financial management strategies to increase the positive impact of local tourism in Thailand and Vietnam), viết tắt là TOURIST được điều phối dự án: Trường ĐH FH JOANNEUM (Áo), có sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á.

Nguồn: http://cvseas.edu.vn/