
Chùa Bốn Mặt ở Sóc Trăng
Trong quá trình phát triển đồng bào Khmer đã xây dựng được khá nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo phái Tiểu thừa, kết hợp hài hòa giữa tòa chánh điện và hệ thống tháp.
Chùa đối với người Khmer chiếm vị trí quan trọng, là trung tâm tôn giáo – nơi vừa gửi gắm đời sống tâm linh vừa là nơi rèn luyện, tu dưỡng và học tập giáo lý. Chùa còn là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống. Thể hiện rõ nhất của kiến trúc chùa Khmer được xây dựng quy mô, chiều cao vượt lên hẳn không gian nhưng vẫn hòa quyện với cảnh quan xung quanh. Bằng nghệ thuật sử dụng phối hợp điêu luyện giữa các gam màu trang trí. Trong đó, chủ yếu là màu vàng nhạt và vàng đậm. Ngôi chùa dưới màu nắng, gió chan hòa của xứ nhiệt đới và màu xanh ngập tràn của cây trái xum xuê: xoài, dừa, thốt nốt, dầu nước… càng trở nên rực rỡ, lộng lẫy, ngời sáng.
Chùa Khmer gồm hai thành phần cấu thành tòa chánh điện và hệ thống các ngọn tháp xung quanh kết hợp hài hòa, chặt chẽ, tạo nên bức tranh tổng thể kiến trúc Phật giáo, Bà la môn và tín ngưỡng bản địa. Cả hai loại hình kiến trúc đều có những khối tháp cách điệu hình chóp nhọn cao vút, thanh thóat trang trí tạo nên điểm nhấn, nổi bật thu hút từ khoảng cách khá xa. Chùa Khmer nổi bật nhất là kiến trúc tòa chánh điện, gắn liền với đạo Phật tiểu thừa, chỉ thờ duy nhất pho tượng Thích Ca Mâu Ni nên kiểu thức hình chữ nhật, với quy cách chiều dài gấp đôi chiều rộng, nằm dọc chạy theo hướng Đông Tây.
Tòa chánh điện chùa nào bề thế thường có ba cấp còn thông thường là hai cấp. Theo quan niệm tôn giáo của đồng bào Khmer, tòa chánh điện biểu trưng cho trung tâm vũ trụ, nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, nơi đức Phật tối cao ngự trị, biểu thị quyền năng của Phật pháp. Tại Phật điện, bài trí pho tượng Thích ca Mâu ni tư thế ngồi, quay mặt về hướng Đông, là hướng cõi sinh để cứu độ chúng sinh.
Nghệ thuật trang trí điêu khắc thể hiện khá phong phú ở tòa chánh điện. Các mô típ sử dụng trang trí là các loại hoa văn: rồng, hoa, lá sen, đường diềm hoa văn hình thoi, dãy hình mũi giáo hướng xuống… Đề tài linh thú trong thần thoại thể hiện khá phong phú, nổi bật nhất là tượng chằn đứng trước cổng chùa hay xung quanh chánh điện với vai trò bảo vệ giống như tượng Ông Ác ở cổng Tam quan chùa của người Việt.
Chùa Khmer chiếm vị quan trọng trong tổng thể kiến trúc nghệ thuật về tôn giáo của các dân tộc Việt, Chăm và Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long với những giá trị về mỹ thuật, nhiều mô típ trang trí đặc sắc độc đáo, góp phần làm phong phú, đa dạng bức tranh toàn cảnh của nền văn hóa trong vùng. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng của đồng bào Khmer đã được Bộ VHTTDL công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia, tạo nên điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đặt chân đến vùng sông nước Cửu Long. Ngành Du lịch các địa phương những năm qua đã từng bước tiến hành nghiên cứu, thiết kế đưa các ngôi chùa Khmer vào hệ thống tour tuyến điểm, nhằm giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong các dịp lễ hội truyền thống hằng năm, đã đem lại một sức sống mới cho loại hình kiến trúc nghệ thuật này.
Cao Phương
Nguồn: http://baodulich.net.vn