English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Triển khai công tác quản lý nhà nước về Du lịch

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các tỉnh, thành trong cả nước sẽ tập trung triển khai các nội dung liên quan đến Luật Du lịch 2017, các văn bản hướng dẫn cũng như chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Du lịch

tin vinh2152018

 Đó là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch  Nguyễn Thị Thanh Hương tại Hội thảo triển khai công tác quản lý  nhà nước về Du lịch năm 2018, được tổ chức ngày 18/5/2018, tại  Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh  đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, đại diện của Sở Du  lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phía Bắc  và Bắc Trung Bộ.

 Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế,  chính sách mang tính đồng bộ, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao  hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Du lịch, góp phần đưa Du  lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn và cạnh tranh hơn so với các  nước trong khu vực. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về Du  lịch tại trung ương và một số địa phương còn gặp những bất cập  trong công tác quản lý điểm đến, duy trì chất lượng dịch vụ chưa  thường xuyên, công tác xúc tiến quảng bá còn thiếu chuyên  nghiệp, sản phẩm du lịch chưa được đầu tư tương xứng với tiềm  năng và thiếu bền vững.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo

Trước yêu cầu đặt ra để đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã ra Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Giới thiệu Nghị quyết tại hội thảo, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí cho biết, Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cho các Bộ, Ban, ngành, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cácBộ, cơ quan, địa phương thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Tổng cục Du lịch và đại diện các Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu lên một số vấn đề để triển khai công tác quản lý nhà nước về Du lịch; đồng thời, đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, đặc biệt là những giải pháp về quản lý điểm đến, xây dựng chính sách, chiến lược, phát triển sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá, và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp:

1. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; định vị điểm đến nghỉ dưỡng biển có sức hấp dẫn cao. Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf, du lịch vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, tham dự sự kiện, trình diễn nghệ thuật.

2. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, gồm nhân lực quản lý, quản trị và lao động nghề:

– Tăng cường năng lực đào tạo của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch.

– Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích việc đào tạo tại doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

– Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực du lịch, tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến quốc tế.

3. Phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú có chất lượng cao và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch:

– Rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các quy định không hợp lý, không còn phù hợp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh, tăng mức độ an toàn và giảm chi phí kinh doanh.

– Xem xét tiến độ đầu tư phát triển các trung tâm, công trình hạ tầng du lịch hiện có; xác định những khó khăn, vướng mắc; trực tiếp hỗ trợ giải quyết, đồng thời, khuyến khích đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng.

– Nghiên cứu thuê tư vấn (có thể tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài) xây dựng quy hoạch sử dụng các tài nguyên du lịch (thiên nhiên và văn hóa); xây dựng các trung tâm, điểm du lịch; thực hiện đấu thầu xây dựng, sử dụng và phát triển tài nguyên du lịch theo hình thức hợp tác công – tư (PPP),…

– Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển hạ tầng du lịch.

– Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, trước mắt là tại các khu vực có định hướng phát triển trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.

– Tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các điều kiện, tiện nghi phục vụ du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.

– Tiếp tục rà soát, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, trạm dừng nghỉ, nhà hàng, cơ sở mua sắm bảo đảm yêu cầu phục vụ khách du lịch.

– Tăng cường tính kết nối và đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch.

4. Phát triển du lịch bền vững:

– Nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững (dựa trên các chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế tốt).

– Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để người dân và giới khoa học tích cực tham gia phản biện quy hoạch, dự án và giám sát tuân thủ trong quá trình thực hiện.

5. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch:

– Đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch; tăng cường xúc tiến du lịch thông qua việc khuyến khích các công ty lữ hành quốc tế trải nghiệm du lịch ở nước ta.

– Khuyến khích các doanh nghiệp mở văn phòng tiếp thị du lịch ở nước ngoài, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, các chiến dịch quảng cáo trên các phương tiện truyền thông quốc tế, quốc gia, các hoạt động e-marketing; chú trọng hoạt động tiếp thị du lịch tại các thị trường nguồn.

– Tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của kết nối, hợp tác, chia sẻ lợi ích giữa các đối tác trong chuỗi dịch vụ du lịch.

– Biên soạn tài liệu và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phát triển du lịch cộng đồng, lan truyền và nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng.

– Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường.

– Xây dựng cơ chế tập trung nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, bảo đảm hoạt động linh hoạt, liên kết chặt chẽ với các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

– Tổ chức, sắp xếp lại các hội chợ du lịch trong nước nhằm tránh phân tán; tập trung nguồn lực, nâng cao tính chuyên nghiệp cho các hội chợ quy mô quốc gia và quốc tế.

– Tăng cường nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

5. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch:

– Triển khai áp dụng mạnh mẽ bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch ở các địa phương.

– Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thông minh.

6. Nghiên cứu thay đổi căn bản hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, vật phẩm xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa, vật phẩm xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh.

 Nguồn: