English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Hướng đi mới cho Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Trà Vinh là một vùng đất giàu tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn tài nguyên du lịch văn hóa, đặc biệt mang đậm giá trị văn hóa bản địa gắn với đồng bào dân tộc Khmer sẽ là tiền đề cho sự phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Trà Vinh điểm đến hấp dẫn

Trà Vinh có nguồn tài nguyên du lịch biển và sông nước khá phong phú, đáng chú ý là bãi biển Ba Động, thị xã Duyên Hải, với chiều dài bờ biển 13,5 km, với 02 bãi tắm lớn là Vàm Láng Nước và Vàm Khâu Lầu. Hiện nay Ba Động là điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch đến với Trà Vinh. Một tài nguyên du lịch biển khác cũng rất quan trọng của Trà Vinh là Cồn Nghêu thuộc xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang.

ao ba om

Ảnh. Ao Bà Om

Tài nguyên du lịch rừng và miệt vườn: Rừng ngập mặn xã Trường Long Hòa (1.680,43ha), rừng đước ngập mặn xã Long Khánh (200 ha). Cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè). Cù lao Long Trị (xã Long Đức, Thành phố Trà Vinh). Cù lao Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành)… Ngoài ra, các vườn chim cò cũng là tài nguyên du lịch có giá trị lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái tại Trà Vinh, tiêu biểu là các vườn chim cò trong khuôn viên các ngôi chùa Khmer: Chùa Hang, chùa Nodol; vườn chim cò trong các khu rừng ngập mặn tại huyện Duyên Hải, huyện Trà Cú.

Toàn tỉnh hiện có 01 bảo vật quốc gia (Ngẫu tượng Linga – Yoni); 05 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Nghệ thuật “Chầm riêng chà pây” của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh; Nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”; “Lễ hội cúng biển Mỹ Long” thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; Nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh); 14 di tích cấp quốc gia, tiêu biểu là Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; kiến trúc nghệ thuật chùa Âng và 25 di tích cấp tỉnh; 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer… Đặc điểm nổi bậc của tỉnh Trà Vinh là sự kết hợp hài hòa giữa các cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ với các di tích văn hóa lịch sử của dân tộc Khmer, đây là thế mạnh của tỉnh trong chương trình xây dựng các điểm, tuyến du lịch.

Văn hóa ẩm thực và đặc sản địa phương có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với du khách khi đến du lịch tại Trà Vinh. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên tỉnh Trà Vinh có nhiều đặc sản hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, các đặc sản tiêu biểu: Dừa sáp Cầu Kè, Tôm khô Vinh Kim, Bánh tét Trà Cuôn, Nước Mắm Rươi Ba Động, Rượu Xuân Thạnh.

Từ những lợi thế nêu trên, trong những năm gần đây tỉnh Trà Vinh tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và cải thiện môi trường du lịch. Chú trọng đầu tư khai thác theo từng loại hình du lịch như: Du lịch biển, du lịch khám phá rừng ngập mặn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… Nhiều công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đã khai thác mở nhiều tour, tuyến phục vụ cho nhu cầu du khách đến với Trà Vinh.

Về hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu đến các điểm, khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu ăn uống phục vụ khch lưu trú được đầu tư khang trang… Nhờ vậy, tổng doanh thu năm 2018 đạt 275,045 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ; tổng lượt khách tham quan 788.000 lượt (trong đó khách quốc tế 21.200 lượt), tăng 20,9% so cùng kỳ; lượt khách lưu trú 520.300 lượt (trong đó 20.427 lượt khách quốc tế), tăng 21,9% so với cùng kỳ.

Tạo hướng đi mới cho du lịch Trà Vinh phát triển

Từ những tiềm năng lợi thế đã có, trong những năm qua tỉnh đã xây dựng đề án để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Tuy nhiên thực tế hiện nay, hoạt động du lịch của tỉnh Trà Vinh chỉ mới có dấu hiệu bắt đầu với lượng khách ít ỏi đi du lịch theo kiểu tự túc, cụ thể là du lịch “phượt” của nhóm thanh thiếu niên nội địa và một số khách quốc tế đi khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua một số chương trình du lịch của công ty lữ hành. Để ngành văn hóa, du lịch phát triển bền vững, trong đó xác định du lịch là trọng tâm, tỉnh tập trung hướng đi mới là “Đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tăng cường các hoạt động quảng bá, thu hút và phát triển du lịch tỉnh nhà, phấn đấu đưa ngành du lịch thật sự là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh trong những năm tới”, cụ thể xây dựng 03 sản phẩm du lịch mũi nhọn trong năm 2018 đó là:

Thứ nhất, phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch biển được quy hoạch tại Ba Động thị xã Duyên Hải: Dự án khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động đã được khởi công đầu tư xây dựng tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa (tháng 7/2018), với tổng diện tích đất thực hiện dự án là 14,01 ha, tổng mức vốn đầu tư 100 tỷ đồng giai đoạn 2018 – 2020 (giai đoạn 01 diện tích đất thực hiện dự án là 2,9 ha, mức vốn đầu tư 40 tỷ đồng, gồm các hạng mục nhà hàng, karaoke, Spa, khu vui chơi giải trí, khu tổ chức sự kiện, hội nghị; hệ thống xe điện, du thuyền được thực hiện hoàn thành trong tháng 12 năm 2018; giai đoạn 02 trong năm 2019 xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác khách sạn với 100 phòng nghỉ cao cấp; giai đoạn 03 trong năm 2020 xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác khu nghỉ dưỡng.

Thứ hai, tiếp tục triển khai xây dựng đề án phát triển Văn hóa – Du lịch – Lễ hội được quy hoạch tại khu vực Ao Bà Om thành phố Trà Vinh và xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, với việc ra mắt “Con đường bích hoạ” trong Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn với Lễ hội OK Om Bok.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch miệt vườn, giới thiệu những vườn cây ăn trái, sơng nước miệt vườn được quy hoạch tại Cù lao Tân Quy, huyện Cầu Ke và một số địa phương có lợi thế loại hình này. Hiện nay, Công ty Khách sạn Sỹ Điền đang trùng tu, tôn tạo nhà cổ Huỳnh Kỳ đưa vào khai thác phát triển du lịch gắn với loại hình homestay (nhà nghỉ dạng gia đình).

Với hướng đi mới này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 10/4/2018 về việc thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch năm 2018 và những năm tiếp theo; ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 70/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020, trong đó tập trung 05 nội dung ưu đãi phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh gồm: Lưu trú (homestay), ăn uống mua sắm, vui chơi giải trí, vận chuyển, đào tạo du lịch… phối hợp Sở Công Thương xây dựng Đề án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, quà lưu niệm trên địa bàn tỉnh năm 2018 để phục vụ khách tham quan, du lịch… (đã có 06 hộ dân tham gia đầu tư du lich cộng đồng gồm: Hộ Lâm So Rone triển khai xây dựng nhà hàng ẩm thực kết hợp quầy bán đặc sản, tại khóm 5, phường 8, thành phố Trà Vinh; hộ Nguyễn Bá Điệu đã triển khai xây dựng Nhà hàng kết hợp bán sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm Trà Vinh tại ấp Bà My, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè; hộ Kim Ngọc Hà đang triển khai bằng xây dựng Nhà hàng và Homestay tại thị trấn Định An, huyện Trà Cú; hộ dân Thạch Suôl tại ấp Bà My, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè (homestay Suonsia triển khai xây mới thêm 03 phòng và nhà hàng; hộ Nguyễn Minh Tài mua sắm phương tiện vận tải thủy nội địa ở ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; hộ Lý Chí Tâm xây dựng nhà hàng Vườn Bưởi Sâm Bua để phục vụ khách tham quan du lịch ở ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành). Bên cạnh đó, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030” trong đó có chú trọng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp kết hợp làm du lịch.

Tính đến tháng 11/2018, có 05 điểm du lịch được quy hoạch, phê duyệt gồm: Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động (368,80 ha) tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải; Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh (84 ha, trong diện tích quy hoạch phát triển khu du lịch Ao Bà Om); Khu du lịch sinh thái Hàng Dương, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (20 ha); Khu du lịch sinh thái Cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (50,28 ha); điểm du lịch sinh thái Cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (48 ha).

Ngoài ra, sự thành công của sự kiện Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2018 (được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 11 năm 2018). Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh tổ chức, nhằm kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch, phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời là cơ hội để giới thiệu văn hóa – lễ hội – du lịch đến với du khách, giúp các cá nhân, tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu điểm đến liên doanh, liên kết phát triển du lịch trong tỉnh và khu vực… Tin rằng với những tiềm năng và lợi thế của vùng đất lành Trà Vinh mến khách, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân, ngành du lịch Trà Vinh năm 2019 kỳ vọng sẽ có những bức phá mới tạo động lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp./.

Tin, ảnh: Phúc Nguyên