Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% so với trước đó và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới. Quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam. 

Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến
Quang cảnh chương trình.

Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng. Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler – FIT) tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài) và outbound (đưa khách ra nước ngoài) tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến.

Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam thông tin, xu hướng du lịch trực tuyến ngày càng phát triển. Tới nay chỉ khoảng 30% khách hàng chọn tour du lịch truyền thống bởi cách mạng 4.0 đã đưa du lịch phát triển theo xu hướng mới.

Tại Ngày Du lịch trực tuyến 2019, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ như Vietravel, Gotadi, Tripi, Hanoitourist… cũng đã có những chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp với các vấn đề về xu hướng thay đổi của thị trường, yêu cầu từ phía khách hàng và cập nhật công nghệ liên quan đến du lịch hiện nay.

Trong khuôn khổ Ngày du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến. Ban tổ chức cũng dành không gian triển lãm về các giải pháp hỗ trợ du lịch nói chung và ứng dụng du lịch trực tuyến nói riêng.

Tin, ảnh: DIỆU THUÝ

Nguồn: https://www.qdnd.vn