English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Vĩnh Long: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-SVHTTDL ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long về việc triển khai Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long năm 2021, huyện Trà Ôn đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng vốn có, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch.


Bánh bò Trà Ôn đạt huy chương vàng hội thi bánh dân gian Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017


Điểm nổi bật của huyện Trà Ôn là diện tích vườn cây ăn trái ngày càng phát triển, đến nay toàn huyện có 14.875 ha vườn cây lâu năm (tăng 2.193,4 ha so cùng kỳ năm 2020). Trong đó huyện tập trung phát triển diện tích vườn cây ăn trái đặc sản tại các địa phương kinh doanh hoạt động du lịch, cụ thể xã Lục Sĩ Thành có 1.286,59 ha, Phú Thành có 1.186 ha và Tích Thiện có 697,54 ha tập trung chủ yếu ở các ấp Tích Phú, Tích Khánh, Tích Lộc và Tích Phước, trong đó Cù lao Tích Khánh, cồn Tích Phước với nhiều loại trái cây như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, bưởi, xoài,… thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Mặt khác, điều kiện khí hậu tại huyện khá thuận lợi, đã tạo cơ hội cho địa phương phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng và trở thành thương hiệu điểm đến du lịch của Trà Ôn. Tận dụng lợi thế này, huyện đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đặc thù để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Duy trì làng nghề bánh tráng Cù lao Mây vốn hơn 100 năm tuổi và nổi tiếng với nhiều loại bánh tráng mè đen, bánh ớt, bánh sữa, bánh nhúng, bánh tráng Thanh Long ruột đỏ. Vào năm 2011, làng nghề đã thành lập Hợp tác xã sản xuất bánh tráng, đến nay có 15 thành viên với tổng sản lượng đạt 710.000 bánh/năm, doanh thu 955 triệu đồng, lợi nhuận 256 triệu đồng/năm. Đặc biệt năm 2020 HTX được tỉnh chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao.

Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá tra công nghiệp ven bãi bồi và cá lóc mương vườn là hai mô hình nuôi thủy sản chính của huyện với diện tích 66,47ha (cá tra 53,43ha, cá lóc 13,04ha). Đến năm 2016 thành lập Hợp tác xã thủy sản Phú Thành, ngụ ấp Mái Dầm, xã Phú Thành chuyên sản xuất khô cá lóc một nắng, sản phẩm khô cá lóc được tỉnh chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao vào năm 2019.

Ngoài ra, còn có thương hiệu bánh tét cô Hà (Bánh tét hút chân không) ở xã Lục Sĩ Thành được xuất khẩu sang nước Úc. Bánh bò Trà Ôn đạt huy chương vàng hội thi bánh dân gian đồng bằng sông Cửu Long năm 2017.


Khô cá lóc được tỉnh chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao

Song song đó, những mô hình du lịch sinh thái miệt vườn của hộ gia đình với nhiều loại cây ăn trái tại xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành đã góp phần làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương và con người Trà Ôn.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất du lịch; cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên và môi trường văn hóa; nâng cao ý thức, kiến thức và cách thức làm du lịch cho cộng đồng dân cư để xây dựng du lịch Cù lao Mây trở thành điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện./.

Tố Loan

Nguồn: vinhlongtourist.vn