English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Về Trà Vinh dự lễ Sêne Đôlta

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Hàng năm, ngoài các lễ hội chính như Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, người Khmer Nam bộ còn có lễ Sêne Đôlta nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ họ hàng, cầu siêu cầu phước cho linh hồn những người quá vãng. Đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Đến với lễ Sêne Đôlta, du khách có thể khám phá bản sắc văn hóa, nghệ thuật, đời sống và các lễ tục độc đáo của người Khmer Trà Vinh tại các phum, sóc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

senedolta1

Lễ Sêne Đôlta năm nay diễn ra từ ngày 11 đến 13/10/2015 (nhằm ngày 29/8 đến ngày 01/9 âm lịch). Trong ba ngày lễ Sen Dolta diễn ra có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động văn hóa văn nghệ thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer.

Ngày thứ nhất: gọi là ngày cúng tiếp đón. Mỗi gia đình người Khmer đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, bố trí bàn thờ tổ tiên khang trang. Sau đó, dọn mâm cơm ngon cùng bánh trái, rượu trà và để bốn chén cơm với bốn đôi đũa ở bốn góc giường thờ, mời họ hàng thân tộc trong phum sóc đến thắp nhang đèn cúng kiến. Khi cúng, mời hết ông bà, cha mẹ, người thân đã quá cố, kể cả những người khuất mặt, khuất mày không quen biết cùng dự. Bởi lẽ, theo bà con, nếu không mời thì e rằng những vong hồn đơn độc, không có người thân cúng bái không dám dự sẽ quấy phá. Họ khấn vái ba lần, mỗi lần đều rót trà, rượu. Tiếp đó, lấy thức ăn mỗi thứ một ít để vào chén cho trà, rượu vào rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, cắm một cây nhang mời ma quỷ đã đưa ông bà về ăn, chờ đưa ông bà về nơi cũ. Việc làm này, theo quan niệm của người Khmer thì ma quỷ không dám lên ăn chung với ông bà nên phải ăn riêng.Đến chiều, họ cúng linh hồn ông bà, rồi đi vào chùa lạy Phật, nghe tụng kinh, thuyết pháp và múa hát vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.

senedolta2

Ngày thứ hai: ngày cúng chính. Tất cả các gia đình đều làm mâm cơm để đem đi chùa. Sau một ngày đêm ở chùa, họ mời rước linh hồn ông bà về gia đình. Sau đó, cúng dâng cơm đến ông bà và mời ở lại chơi với con cháu trong gia đình một ngày nữa. Cúng xong, họ hàng thân tộc cùng bà con láng giềng trong phum sóc mời nhau ăn uống từ nhà này đến nhà khác, họ cùng nhau vui chơi múa hát cho đến đêm tối.

Ngày thứ ba: ngày cúng tiễn.Các gia đình lại chuẩn bị vật cúng và cúng như ngày đầu. Có khác là ở chỗ, ngày đầu cho thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi đem ra sân để cạnh hàng rào cúng ma quỹ; còn lần này thì cho vào tàu thuyền làm bằng bẹ chuối, bẹ cau, để thêm lúa, muối, đậu, bánh để ông bà đem theo ăn dọc đường cho đến khi về nơi cũ. Tàu khắc hình cá sấu, có treo cờ phướn hình tam giác. Chiếc tàu được đem thả trên sông hoặc mương rạch gần nhà. Thả tàu xong, mọi người cùng dự lại mời nhau ăn uống và chung vui cho hết ngày Cúng tiễn. Trong ngày cúng đưa này, nhiều gia đình ở Trà Vinh còn mời sư sãi đến tụng kinh để thêm phần long trọng.

Kết thúc ba ngày lễ, mọi người tập trung vào lao động sản xuất, chờ lễ hội năm sau.

Tin – Ảnh: Hoàng Tuấn