English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Về thăm vương quốc Dừa sáp Cầu Kè mùa Vu lan thắng hội

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Du lịch vương quốc dừa sáp Cầu Kè, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản trứ danh của quê hương Trà Vinh, đó chính là quả dừa sáp. Theo các tài liệu xưa, cây dừa sáp xuất hiện ở huyện Cầu Kè từ những năm 1960 do một nhà sư người Khmer sang Campuchia mang về làm giống. Dừa sáp có hình dáng giống như quả dừa bình thường nhưng đặc ruột, cơm dày, nước dừa sền sệt, mềm dẻo như bột quánh lại, có vị béo hơn các loại dừa thường.

Diện tích trồng dừa của toàn huyện Cầu Kè có hơn 1.879ha, với trên 413.400 cây, trong đó dừa sáp gần 72.000 cây, đang cho trái trên 57.500 cây và ước sản lượng hàng năm hơn 02 triệu trái sáp (Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè năm 2020). Mới đây, dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Úc với số lượng lớn, với giá trị lô hàng bán ra tại thị trường tại Úc lên đến 70.000 Đô la Úc (khoảng hơn 01 tỷ đồng).

Ảnh: Dừa sáp Cầu Kè

Thương hiệu dừa sáp Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh ngày càng được nhiều người biết đến, nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng lên, nhất là vào thời điểm bước vào đầu tháng 7 âm lịch. Du khách đến Cầu Kè còn được tham dự Vu lan thắng hội (Lễ hội cúng Ông Bổn) lớn nhất của người Hoa tồn tại hàng trăm năm tại vùng đất này và tìm hiểu về tín người thờ cúng Ông Bổn – vị thần cai quản an cư lạc nghiệp góp phần tạo nên bản sắc văn hóa người Hoa Trà Vinh.

Lễ hội cúng Ông Bổn Cầu Kè hay còn gọi là Vu lan thắng hội, diễn ra từ 25 – 28 tháng Bảy âm lịch (“Hai lăm vào đám, Hai tám ra giàn”) ở địa điểm chính là Vạn niên phong cung tọa lạc tại Khóm 1, thị trấn Cầu Kè. Lễ hội nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đồng thời góp phần giới thiệu đến du khách gần xa về hình ảnh quê hương và con người Cầu Kè – Trà Vinh, cùng nhau cầu chúc cho quốc thái dân an, gia đạo bình an, hạnh phúc và làm ăn phát tài.

Ảnh. Mâm cúng ông Bổn tại Lễ hội cầu kè Trà Vinh

Trong 04 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ. Ngày 25/7 âm lịch diễn ra 08 lễ thức, trong đó quan trọng và đông vui nhất là hai lễ Thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh và Lễ Thỉnh kinh – đánh động được tiến hành vào sáng sớm ngày 25/7 âm lịch. Bà con hình thành đám rước diễu hành qua các con phố chính cung thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh về Vạn Niên Phong Cung cùng Bổn Đầu công chứng giám và phối hưởng phẩm vật dâng làng dâng cúng. Đám rước được hóa trang thành thầy trò Tam Tạng, diễn lại tích đi Tây phương thỉnh kinh tạo thành màn biểu diễn nghệ thuật, vũ thuật ngay trên tuyến phố rất đặc sắc, thu hút đông đảo được người dân sở tại và khách thập phương về dự hội.

Ngày 26/7 âm lịch có 05 lễ thức chính là Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn; Lễ Thỉnh thùng bổn mạng; Lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền; Lễ Cầu siêu; Lễ Giương phan. Trong đó, Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Ngày 27/7 âm lịch có 02 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã.

Đặc biệt vào ngày cuối của Vu Lan thắng hội diễn ra Lễ Chiêu u cô hồn – Đăng đàn thí thực thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương tham gia. Sau nghi thức cúng, trong bầu không khí linh thiêng đặc trưng của lễ hội, Bổn Đầu công về “nhập xác” một người Hoa trung niên tại địa phương thể hiện oai linh của mình bằng cách múa may quay cuồng, nói thứ ngôn ngữ Triều Châu cổ, dùng dao bén tự rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa ban phát cho người dự hội.

Ảnh. Lễ Chiêu u cô hồn tại Vạn Niên Phong Cung

Lễ hội năm nay được UBND huyện Cầu Kè phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho du khách như: lễ khai mạc lễ hội vào đêm 21/8; tổ chức đoàn Farmtrip giới thiệu tuyến du lịch sinh thái, văn hóa thành phố Trà Vinh – huyện Càng Long – huyện Tiểu Cần – huyện Cầu Kè và Tọa đàm “Xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị du lịch huyện Cầu Kè” trong 03 ngày 23-25/8; không gian ẩm thực địa phương; hội chợ thương mại – nông nghiệp huyện Cầu Kè quy mô 150 gian hàng; phiên chợ “Trái cây ngon Cầu Kè” từ ngày 21 – 25/8 quy mô 11 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản trái cây của quê hương Cầu Kè như: dừa sáp, chuối tá quạ, cam sành, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm…; giao lưu không gian đờn ca tài tử; phục vụ xe ô-tô thư viện lưu động đa phương tiện; giải bóng chuyền nam trong khuôn khổ Đại hội thể dục thể thao tỉnh Trà Vinh lần thứ VII năm 2022; lập hồ sơ khoa học Vu lan Thắng hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ảnh. Vườn Chôm Chôm – trái cây đặc sản của Cầu Kè

Bên cạnh đó, đến du lịch ở vương quốc dừa sáp Cầu Kè du khách còn được tham quan Khu Tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), nhà cổ và khu mộ cổ Huỳnh Kỳ, Di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung, chùa Cành Đa, trải nghiệm tự tay hái và thưởng thức trái cây theo mùa tại Cù lao Tân Quy, đặc biệt là tham quan vườn và thưởng thức đặc sản trứ danh dừa sáp Cầu Kè.

Ảnh. Nhà cổ Cầu Kè 

Mùa Vu Lan Thắng Hội quê tôi đã cận kề, xin mời du khách thập phương về đây cùng người dân tham dự lễ hội, trải nghiệm văn hóa và thưởng thức các đặc sản có một không hai tại vùng đất phước lành.

Tin, ảnh: Ngọc Nhung