English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Từ food tour đến slogan du lịch

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Dịch vụ food tour từng được một số đơn vị du lịch tại Hà Nội, TP.HCM mở ra từ 5 năm trước nhưng gần đây đã bùng nổ thành một trào lưu mới trong giới trẻ.

Khởi phát từ bản đồ món ngon “Cùng Hải Phòng – Lòng vòng ẩm thực”, khi các món ăn dân dã đường phố được giới thiệu như một nét văn hóa độc đáo trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.

Từ food tour đến slogan du lịch - 1

Ẩm thực là một thành tố quan trọng của văn hóa và từ lâu chúng ta đã có một nền văn hóa ẩm thực phong phú và có chất lượng hàng đầu thế giới. Nói điều này là không ngoa bởi sự đa dạng của thức ngon, hoa quả của vùng miền, của đồng bào các dân tộc, của các nước khác du nhập từ lâu đời như món Hoa, món Ấn, món Pháp cho đến vài mươi năm gần đây như món Nhật, món Thái, món Hàn, món Ý, món Mexico, món Thổ… Người Việt ta trong quá trình hội nhập không chỉ dễ dàng tiếp nhận món ngon của các nước thành phổ biến mà còn sáng tạo trong chế biến theo khẩu vị phù hợp để tạo ra nhiều sản phẩm thú vị khác.

Từ food tour đến slogan du lịch - 2

Ấy là chưa kể ẩm thực cung đình với kinh nghiệm lưu truyền hàng ngàn năm của cha ông trong việc tạo ra các thực đơn độc đáo và bổ dưỡng. Theo cụ U.V, một hậu duệ triều Nguyễn, trong tàng thư về ẩm thực xưa có hàng trăm loại men hữu cơ được tạo ra từ thảo mộc, giúp nêm nếm, chế biến ra nhiều loại thức ăn lạ mà ngon. Ví dụ như men kích hoạt làm ra mì chính (bột ngọt) từ cây bắp, men chiết xuất tinh bột từ vỏ các loại rau quả để làm bánh, men biến hạt cây mắt mèo thành loại tương hiếm có…

Làm sao để food tour không còn là chuyện của một vài địa phương mà là việc của các nhà quản lý cùng các đơn vị làm du lịch, trong đó, sự sáng tạo của giới đầu bếp Việt – từ chuyên nghiệp nhà hàng cao cấp đến tay ngang quán ăn gia đình – là thế mạnh căn cơ, rõ nét. Du khách đến Tây Ninh hay mua muối tôm làm quà, dù tỉnh này không có biển, cũng chẳng có nhiều tôm.

Ấy là sự sáng tạo của một gia đình nông dân được nhân rộng, góp phần phong phú thêm đặc sản địa phương. Trong nhiều năm trước nạn dịch Covid-19, giải thưởng Chiếc Thìa Vàng đã được doanh nhân – nghệ nhân Lý Ngọc Minh (Gốm sứ Minh Long) kiên trì tổ chức nhằm phát hiện các tài năng mới trong nghề bếp, góp phần định vị công thức nấu ăn món Việt ở trong và ngoài nước. Những cuộc thi tương tự luôn khả thi và cần thiết.

Từ food tour đến slogan du lịch - 3

Làm sao để food tour có tầm quốc tế, tiếp tục khẳng định Việt Nam là một điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn và có nền văn hóa ẩm thực hàng đầu? Chúng ta đã có không ít món ngon được vinh danh thế giới như phở bò, bánh mì thịt, bánh cam, bánh bột lọc… và vẫn cần sự quảng bá nhiều hơn. Slogan du lịch Việt Nam tồn tại hơn mười năm qua, giờ đã đến lúc cần thay đổi. “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” (Vietnam – Timeless Charm) là lời tự giới thiệu khá hay nhưng chung chung, thiếu sức hút để du khách các nước lưu tâm bằng cảm hứng khám phá. Trong slogan này cũng không ẩn chứa nội hàm về văn hóa ẩm thực Việt.

Nên chăng việc tạo ra slogan mới cho du lịch nước ta; nên chăng ngoài các địa phương triển khai xong thì các tỉnh, thành khác cũng có slogan du lịch của riêng mình thông qua các cuộc thi, hoặc cuộc trưng cầu ý kiến chuyên gia và người làm du lịch? Các slogan đó có thể bao hàm ý tưởng về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cùng những trải nghiệm bất tận, thú vị về nghệ thuật, về ẩm thực. Bởi suy cho cùng, với người đi du lịch, ngoài chuyện tham quan, cảm nhận, thư giãn còn là nhu cầu thưởng thức những bữa tiệc tinh thần và những bữa ngon mới lạ.

Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/