English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Trà Vinh lần đầu tiên có bảo vật quốc gia

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 5 năm 2016 gồm 14 hiện vật, trong đó có 01 hiện vật là Ngẫu tượng Linga – Yoni của Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh. Đây là hiện vật đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được công nhận là bảo vật quốc gia.

lingayoni


Ngẫu tượng Linga – Yoni (tên gọi khác Sinh thực khí nam và nữ) đã được các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Cửu Long, từ tháng 11/1986 đến cuối tháng 12/1986 và được công nhận là Di tích cấp quốc gia ngày 09/01/1990.

Ngẫu tượng Linga – Yoni được tạo tác liền nhau trong khối có dạng hình trụ tròn. Yoni hình tròn đường kính đáy 3,4cm có vòi nhô ra 0,7cm, trên bề mặt thân vòi được tạo rãnh nước thánh. Lòng Yoni được đục lõm đều để tạo gờ nhỏ. Trung tâm của khối có dạng tròn được tạo tác hình Linga nhỏ hình trụ tròn. Linga có đầu tròn, mài nhẵn cân đối, chiều cao đo được 0,9cm, đường kính 0,6cm.

Ngẫu tượng Linga – Yoni: Chất liệu đá thủy tinh trong suốt (Crystal rock); kích thước: H:2,1cm, R:3,7cm, trọng lượng 150gram và có niên đại thế kỷ thứ V-VI sau công nguyên.

Đây là hiện vật được chế tác thủ công với chất liệu đá thủy tinh bằng nhiều công đoạn kỹ thuật như: Đục, ghè, đẽo, mài,… tạo nên một biểu tượng linh vật thờ hoàn chỉnh. Qua khảo sát các phát hiện khảo cổ học về loại hình hiện vật trên các nhà nghiện cứu cho rằng Linga – Yoni Lưu Cừ II (Trà Vinh) là hiện vật độc bản và có giá trị đặc biệt.

Về lịch sử: Hiện vật minh chứng di tích Lưu Cừ II là đền thần Shiva thuộc giai đoạn phát triển của nền Văn hóa Óc Eo được tạo tác với một trình độ kỹ thuật cao nhất là được tạo tác trên nền chất liệu thủy tinh.

Về khoa học: Đây là hiện vật phát hiện ngay trong địa tầng di tích khảo cổ, do đó hiện vật có đầy đủ tính xác thực là hiện vật thuộc di tích Lưu Cừ II. Đây cũng là cơ sở khoa học trong việc giúp các nhà khoa học có những kiến giải hợp lý về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật không chỉ của di vật mà cho cả di tích kiến trúc Lưu Cừ II.

Về Văn hóa: Đây là hiện vật góp phần minh chứng trên địa bàn Nam bộ có một nền văn hóa bản địa đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ đó là Văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, trong đó bao gồm tỉnh Trà Vinh đã từng tồn tại từ thế kỷ thứ I –VII sau công nguyên.

Nguồn: Báo Trà Vinh – Bá Kỳ.