English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Trà Vinh đón nhận thêm bằng di tích Quốc gia

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Ngày 16/4, tại chùa Lò Gạch (chùa Kompong Thmo) ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với UBND huyện Châu Thành tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng di tích quốc gia Di tích khảo cổ Địa điểm Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch.

IMG 6716

Ảnh. Đón nhận Bằng di tích quốc gia Di tích khảo cổ Địa điểm Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch

Tham dự buổi lễ, về phía tỉnh có Ông Trần Thanh Thưởng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Bà Quách Cúc Liên Hoa – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh,  đại diện Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Phòng Quản lý Văn hóa, Phòng Quản lý du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Ban Quản lý di tích. Về phía huyện Châu Thành có Bà Thạch Thị Sa Thi – Phó Bí thư huyện, Ông Thạch Chiên – Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân huyện, Ông Trần Văn Điều – Trưởng Ban Tuyên giáo huyện, Ông Hồ Quang Xê – Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các Ban ngành đoàn thể, Ủy Ban nhân dân các xã, thị trấn, Sư cả, Sư sãi, Ban Quản trị và Bà con phật tử chùa Kom Pong Thmo.

IMG 6726

                               Ảnh. Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đến nay tỉnh Trà Vinh có 36 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 14 di tích cấp quốc gia (01 Danh thắng; 02 Khảo cổ; 03 Kiến trúc nghệ thuật; 08 Lịch sử) và 22 di tích cấp tỉnh (01 Kiến trúc nghệ thuật; 21 Lịch sử).

Di tích khảo cổ Địa điểm Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch được khảo sát nhiều lần trong thập niên 80 thế kỷ XX và nhiều lần sau đó, kết quả các cuộc khảo sát đã xác định các vết tích nền móng gạch của loại hình di tích kiến trúc cổ trong khuôn viên của chùa Kom Pong Thmo và khu vực lân cận, đồng thời xác định vết tích của một công trình vòng đất đắp có tên gọi là di tích Bờ Lũy.

 Tại khu vực chùa Kom Pong Thmo, các nhà khảo cổ học đã ghi nhận dấu vết gạch cổ của nhiều nền gạch kiến trúc phân bố trên không gian rộng có diện tích khoảng 5ha, các vỉa gạch tập trung thành từng cụm, nằm rải rác ở nhiều nơi tạo thành những thế đất dạng gò nổi. Gạch của di tích được xác định “thuộc loại khá lớn, tương tự như gạch trong các di tích hậu Óc Eo”.

Các kiến trúc đã được khai quật có đặc điểm cấu trúc bình đồ, vật liệu và kỹ thuật xây dựng thống nhất nhau và rất gần gũi với di tích kiến trúc phát hiện ở Gò Thành (Tiền Giang), Gò Xoài (Long An). Riêng nhóm hiện vật vàng lá cắt vuông vắn có chạm – khắc hình voi của Gò Thành và Chùa Lò Gạch có sự giống nhau rất cao, là những kiến trúc Phật giáo có niên đại thế kỷ VIII – IX.

Từ những kết quả đó có thể thấy nhóm di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ. Đây là một khu di tích kiến trúc có quy mô lớn, rất đặc sắc, có giá trị khoa học lớn, đặc biệt khi đặt trong không gian văn hóa – lịch sử với các di tích Bờ Lũy và Ao Bà Om, làng văn hóa dân tộc, … sẽ là thuận lợi lớn cho khai thác  phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đưa hình ảnh con người Trà Vinh đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước./.

Tin. ảnh: TTTTXTDL Trà Vinh