English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp từng bước tái khởi động: Du lịch, hàng không thận trọng kích cầu nội địa

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Các doanh nghiệp hàng không và du lịch nhìn nhận kích cầu du lịch nội địa là giải pháp đầu tiên và cần thiết để thu hút du khách

Theo kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong và sau dịch Covid-19 từ nay đến hết năm 2020, do UBND TP HCM vừa ban hành, một trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được TP yêu cầu là tập trung hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn.

An toàn trên hết!

Theo đó, các sở – ban – ngành, UBND 24 quận – huyện tham mưu rà soát, khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ kinh doanh và DN trên địa bàn nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 của TP đã ban hành…

Với ngành du lịch, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 quy định cụ thể đối với 3 lĩnh vực hoạt động du lịch tại TP gồm cơ sở lưu trú du lịch, DN lữ hành và điểm tham quan du lịch trên địa bàn.

Du khách nước ngoài tham quan TP HCM những ngày trước cách ly xã hội Ảnh: Hoàng Triều


Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết trên địa bàn hiện có khoảng 145.000 người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; các DN liên quan cũng chịu tác động rất nặng nề, doanh thu ngành giảm trầm trọng và từ ngày 18-3 đến nay gần như không nhận khách mới, chỉ phục vụ khách cũ. Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, ngành du lịch đang chuẩn bị cho sự trở lại của các hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới của xã hội nhưng vẫn bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. “Trước mắt, ngành du lịch TP sẽ khai thác khách nội địa, DN nào, đơn vị nào đánh giá an toàn mới được khai thác theo quy mô và số khách vừa phải, phù hợp với năng lực của mình. Các biện pháp phòng chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu khi hoạt động trở lại, trong điều kiện bình thường mới” – ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một DN du lịch có trụ sở tại TP HCM cho biết resort của công ty ở Tiền Giang đã tái khởi động, bắt đầu đón khách nội địa với từng nhóm nhỏ từ 5-10 người để bảo đảm an toàn. Nhiều DN du lịch, lữ hành khác cũng đang gấp rút chuẩn bị khôi phục hoạt động kinh doanh.

Đối với ngành hàng không, kể từ thời điểm 23-4 khi nhiều đường bay trong nước đã được nối lại, tăng tần suất chuyến bay đi đến giữa Hà Nội – TP HCM; giữa Hà Nội, TP HCM tới các địa phương khác. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, những ngày này, lượng khách đi lại bằng đường hàng không cũng gia tăng; số lượng chuyến bay cất hạ cánh tăng dần từng ngày. Riêng ngày 26-4, theo số liệu của sân bay Tân Sơn Nhất, có tổng cộng 162 lượt chuyến bay cất hạ cánh (bao gồm cả máy bay chở hàng và chở khách)… Tuy vậy, yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu.

Theo TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, thời điểm hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chưa có người tử vong… mở ra cơ hội rất lớn trong quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong đại dịch. Sau dịch, xu hướng hồi phục của du lịch, xuất khẩu nhập sẽ gia tăng và làn sóng đầu tư nước ngoài cũng đổ về Việt Nam nhiều hơn nhờ thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh, trở thành điểm đến an toàn. Từ đó, ngành hàng không cũng được hưởng lợi.

“Trước mắt, các hãng hàng không có cơ hội phục hồi thị trường nội địa trước khi nhu cầu của người dân về đi lại, du lịch… sẽ tăng mạnh sau thời gian hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội. Nhu cầu vận chuyển cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không dự báo tăng mạnh trong thời gian tới sẽ là cơ hội hồi phục của các hãng” – TS Trần Quang Châu nói.

Chuẩn bị tour kích cầu

Theo các chuyên gia, ngay từ thời điểm này, các cơ quan, đơn vị liên quan cần phải lên kế hoạch, chuẩn bị các chùm tour kích cầu để giới thiệu tới du khách ngay khi dịch kết thúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, TP sẽ sớm triển khai chương trình kích cầu du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong đó nhắm vào kích cầu du lịch nội địa và những kế hoạch trọng tâm nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch. Ngoài ra, Sở Du lịch TP cũng sẽ sớm hoàn thành, công bố Chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030 với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu, rộng theo phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước, đặc biệt hình thức truyền thông trực tuyến cũng được chuẩn bị. TP sẽ nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 và tiềm năng cho thị trường du lịch TP để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến…

Lãnh đạo một công ty lữ hành lớn ở TP HCM cho biết hiện tại công ty chưa đón khách trở lại nhưng đang gấp rút xây dựng chương trình tour; kinh doanh online; tập trung ổn định nguồn nhân lực… để khi dịch bệnh không còn, bộ máy sẽ ngay lập tức khởi động và vận hành thông suốt. “Quan trọng nhất lúc này là giữ được nguồn nhân lực và các DN cũng đang chờ các chính sách hỗ trợ về chậm nộp thuế đất năm 2020, chậm nộp BHXH, BHYT trong năm nay…” – DN này chia sẻ.

Đại diện một hãng hàng không cho biết trong tuần này sẽ có cuộc họp với Tổng cục Du lịch liên quan đến các chính sách, chương trình kích cầu du lịch sau dịch; hợp tác giữa hàng không và địa phương trong quảng bá điểm đến nội địa khi hết dịch; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón khách trở lại… “Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở nhiều nước thì thị trường nội địa được xem là cứu cánh cho các hãng hàng không có doanh thu để duy trì hoạt động” – đại diện hãng này thông tin.

Trong báo cáo về phương án phục hồi điểm đến du lịch tại Việt Nam vừa công bố, Công ty Dịch vụ Tư vấn và Quản lý điểm đến (Outbox Consulting) khuyến nghị các cơ quan quản lý điểm đến cần xem xét chủ động xây dựng cho ngành du lịch địa phương một lộ trình phục hồi cho từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở thiết lập kế hoạch chi tiết ứng với khả năng khôi phục của mỗi thị trường mục tiêu. Chẳng hạn, dự báo của các chuyên gia y tế, dịch bệnh có khả năng được khống chế trong giai đoạn tháng 5-6 ở châu Á, khoảng tháng 7-8 ở châu Âu và châu Mỹ. “Với kịch bản đó, các địa phương có thể xây dựng giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch của từng thị trường mục tiêu, để từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động. Còn trước mắt, thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mùa hè nên cần có sản phẩm hoặc chính sách thu hút đặc biệt trong năm nay” – đại diện Outbox Consulting phân tích.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Để hỗ trợ các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP tiếp cận với văn bản pháp quy, quy định, hướng dẫn liên quan đến việc nhận nguồn hỗ trợ của Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả do dịch bệnh, Sở Du lịch TP đang chuẩn bị Cẩm nang pháp lý hỗ trợ DN trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Dự kiến, cẩm nang phiên bản Ebook sẽ sớm được gửi đến DN nhằm kịp thời hỗ trợ trong việc hoạch định phương hướng kinh doanh, từng bước ổn định và phát triển nhưng vẫn luôn bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra 3 kịch bản ứng phó của ngành du lịch khi Việt Nam công bố hết dịch, trong đó gồm tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ hàng không, lưu trú, phí tham quan; tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc; triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”…

Thái Phương

Nguồn: Báo Người lao động