English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp không khói

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vì vậy, Trà Vinh đang thực thi nhiều giải pháp để mời gọi thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với doanh thu vào năm 2025 đạt khoảng 1.600 tỷ đồng.

Huynh Kha

Điểm Du lịch sinh thái Huỳnh Kha

Tiềm năng cần khai mở

Nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được thiên nhiên ban tặng cho nhiều nguồn tài nguyên được xem là tiềm năng du lịch rất phong phú, đa dạng. Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên của một tỉnh ven biển với những thắng cảnh đã đi vào thơ ca, như: Biển Ba Động nước xanh cát trắng, Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa chiền, rất thu hút khách có sở thích tham quan tìm hiểu các hoạt động lễ hội tâm linh, du lịch nghĩ dưỡng của không khí vùng biển hay cảnh quan của sông nước miệt vườn. Trà Vinh hiện có 10 di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 01 bảo vật quốc gia, cùng với 143 ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo, tọa lạc khắp 09 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh không chỉ có bãi biển Ba Động, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, mà còn có nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng hệ động thực vật đa dạng, gồm các loại: đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, chà là, tôm, cua, nghêu, sò huyết, vọp, chù ụ, kỳ đà, heo rừng, rắn, chồn,… Nơi đây còn có mỏ nước khoáng nóng chạy dài từ ấp cồn Ông xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240m3/ ngày đêm), với nhiệt nóng 37,50C rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng. Bên cạnh, thị xã Duyên Hải còn có các công trình trọng điểm quốc gia đã và đang được xây dựng, như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu, Khu Kinh tế Định An; trong này có cảng biển đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn và đẹp nhất ở Nam Bộ.

Có thể nói, các di tích, danh thắng, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trà Vinh hiện có là tiềm năng dồi dào để tỉnh khai thác, phát triển ngành công nghiệp không khói, đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội.

Tuy giàu tiềm năng, nhưng nhiều năm qua du lịch ở Trà Vinh chưa có bước đột phá, vẫn trầm lắng, thiếu sức hút đối với du khách. Năm 2016, tổng doanh thu du lịch của tỉnh chỉ đạt hơn 156 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đến với Trà Vinh 528.000 lượt người, nhưng số lượng khách lưu trú chỉ đạt hơn 50% và số ngày lưu trú bình quân chỉ đạt 1,5 này/người.

Nguyên nhân, sức thu hút du lịch của tỉnh thiếu mạnh mẽ là do nhiều năm qua du lịch Trà Vinh chưa có sự đầu tư tương xứng. Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn còn yếu kém. Công tác quảng bá hạn chế, đội ngũ làm công tác du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp, số lượng nhà hàng, khách sạn, các điểm dịch vụ bán quà lưu niệm vừa thiếu, vừa không đủ chuẩn để làm hài lòng du khách, nhất là đối với khách nước ngoài. Đó là những trở ngại, “nút thắt” gây cản trở làm cho du lịch của tỉnh Trà Vinh nằm trong tình trạng tiềm năng, không bức phá phát triển được.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho du lịch

Xác định lợi thế về tiềm năng và hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 12/6/2017, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành kế hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh. Mục tiêu tỉnh đề ra là tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu đảm bảo khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô cấp vùng và cấp quốc gia. Đến năm 2025, Trà Vinh sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 85.000 khách quốc tế, tổng doanh thu từ năm 2025 trở đi đạt trên 1.600 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các sở, ngành và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh khẩn trương hoàn thiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giải pháp để phát triển du lịch được tập trung xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch,…

Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đầu tư xây dựng quần thể Khu Di tích văn hóa Ao Bà Om trở thành điểm du lịch cấp quốc gia. Phối hợp cùng UBND thị xã Duyên Hải mời gọi đầu tư các dự án du lịch, như: Khu Du lịch sinh thái rừng đước Nông trường Tỉnh đội, Dự án Khu Du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Dự án Khu Du lịch khoáng nóng Duyên Hải.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, hiện nay Trà Vinh đang xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh Trà Vinh dành khoản kinh phí 14 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch.

Với nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, di tích, tài nguyên cùng với sự quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Trà Vinh sẽ cam kết làm hài lòng cho các đầu tư khi đến chung sức xây dựng và phát triển ngành công nghiệp không khói./.

Phúc Sơn – Báo Trà Vinh