English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

(Tạp chí Du lịch) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu lợi thế so sánh về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch rất đặc sắc. Tuy nhiên, sự phát triển ngành Du lịch ĐBSCL không tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Bài viết tập trung làm rõ những điểm nghẽn quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch ĐBSCL. Từ đó, gợi ý một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.

 

Các điểm nghẽn đối với phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Đầu tư “nhỏ giọt”, chưa đồng bộ, thiếu kiểm soát

Tốc độ đầu tư cho ngành Du lịch ở các địa phương trong vùng còn rất hạn chế, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chậm, nguồn vốn đầu tư chưa đồng bộ về mặt không gian và lĩnh vực. Các điểm du lịch tự phát, kém hấp dẫn, các nhà hàng, khách sạn kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều. Song song đó, việc nâng giá dịch vụ du lịch thiếu kiểm soát vào các thời điểm nóng và sự phân biệt giá đối với du khách quốc tế và du khách nội địa, cộng thêm sự lôi kéo khách một cách ồ ạt đã làm ảnh hưởng ít nhiều hình ảnh du lịch.

Chưa tìm lời giải cho sự trùng lắp sản phẩm du lịch ở các địa phương

Điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng giống nhau đã tạo nên sự trùng lắp về tài nguyên du lịch giữa các địa phương trong vùng. Chính vì thế, sự phát triển trùng lắp sản phẩm du lịch ở các địa phương là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành Du lịch các địa phương vẫn chưa quyết liệt, chưa tìm ra lời giải đáp cho bài toán định vị sản phẩm du lịch. Từ đó, sự cạnh tranh nội bộ trong việc thu hút khách du lịch giữa các địa phương, các điểm đến đã và đang diễn ra hàng ngày.

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa được đầu tư thỏa đáng

Quy mô các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương để phát huy tiềm năng du lịch đặc thù, từ đó hiệu quả các chương trình mang lại không cao. Nội dung và hình ảnh các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được ấn tượng mạnh đối với du khách nước ngoài, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác phát triển.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch “quá nghèo nàn”

Điều này thể hiện qua sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên nghiệp tại các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn. Tư duy và cách làm du lịch của cộng đồng còn mang tính thời vụ, chưa chuyên nghiệp, chưa thể hiện giá trị bản sắc văn hóa bản địa trong du lịch. Khả năng hoạch định chiến lược và tầm nhìn của các nhà quản lý du lịch địa phương còn hạn chế, dẫn đến sự chậm chạp trong vận hành các chương trình cải tiến, phát triển ngành du lịch. 

Vấn nạn ô nhiễm môi trường, tổn hại hệ sinh thái chưa được kiểm soát

Vấn đề rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch là một thách thức lớn đối với ngành Du lịch. Song song đó, nhiều điểm du lịch đang bê tông hóa ồ ạt, khai thác du lịch bừa bãi, gây suy thoái môi trường và phản cảm đối với du khách quốc tế. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, ở những điểm du lịch nổi bật, sự quá tải lượng du khách gây tác động đến tài nguyên tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học là không tránh khỏi.

Thiếu đầu tư chiều sâu cho loại hình du lịch tâm linh

Việc phát triển quá nhiều các điểm du lịch tâm linh chưa có sự đầu tư chiều sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị văn hóa tâm linh truyền thống ở một số địa phương. Số lượng khách tăng đột biến vào những dịp lễ hội tại các đình, chùa và khu di tích nhưng không có sự hướng dẫn, điều tiết hợp lý đã làm giảm đi sự tôn nghiêm, nhất là sự phát triển kinh tế “ăn theo” của những người bán hàng rong, ăn xin. Các chương trình du lịch tâm linh chưa được quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp, manh tính đặc thù riêng.

 

Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long – Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thứ nhất, kích cầu đầu tư phát triển du lịch đồng bộ

Ngành Du lịch cần đa dạng hóa hình thức đầu tư thông qua khuy��n khích xã hội hóa và các loại hình đầu tư BCC, BOT, BTO, BT, PPP. Đặc biệt chú trọng khuyến khích đầu tư vào các địa bàn tiềm năng trong phát triển du lịch, đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết để hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, giá dịch vụ của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Việc thanh kiểm tra chất lượng dịch vụ, sự cam kết niêm yết giá dịch vụ cần thường xuyên thực hiện nhằm đảm bảo sự đồng nhất. Thiết lập hệ thống cảnh báo cho du khách đối với các đơn vị không đảm bảo các tiêu chuẩn chung.

Thứ hai, phát huy “giá trị nhân văn” trong phát triển du lịch

Sự trùng lắp sản phẩm du lịch trong vùng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu mỗi địa phương, mỗi điểm đến biết phát huy các “giá trị nhân văn” của địa phương, có thể là sự hiếu khách, cung cách phục vụ, nét văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng địa phương… sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách, định vị thương hiệu du lịch địa phương. Chính vì thế, cải thiện tư duy làm du lịch của cộng đồng và tầm nhìn của nhà quản lý du lịch địa phương là rất quan trọng.  

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch

Từ kinh nghiệm phát triển du lịch của Singapore và Thái Lan cho thấy, công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch là chiến lược rất quan trọng trong phát triển ngành Du lịch địa phương. Công tác xúc tiến và quảng bá du lịch cần được đầu tư chiều sâu về chất lượng, nội dung và hình ảnh. Chính vì thế, rất cần sự đầu tư kinh phí thoả đáng cho công tác này. Trong thời kỳ công nghệ 4.0, cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông minh để quảng bá hình ảnh du lịch, vừa tiết kiếm, vừa mang lại hiệu quả cao. 

Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Đây là câu chuyện dài hơi, nhưng cần phải tiếp tục làm và làm mạnh mẽ hơn. Nguồn nhân lực là giá trị cốt lõi cho tất cả chiến lược thành công. Chính vì thế, ngành Du lịch các địa phương cần thống kê, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từ đó xây dựng đề án, triển khai các chương trình hành động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch địa phương, cộng đồng làm du lịch và nhân viên du lịch tại các điểm đến.

Thứ năm, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch

Ngành Du lịch cần phối hợp với các đơn vị truyền thông để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường cho cộng đồng làm du lịch và du khách. Song song đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng làm du lịch về giá trị của tài nguyên tự nhiên, tài nguyên bản địa đối với nhu cầu trải nghiệm của du khách, không nên hiện đại hóa, bê tông hóa hệ thống phục vụ du lịch. Đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, cần yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát chất thải, rác thải đảm bảo sự tác động tối thiểu đến môi trường xung quanh.

Thứ sáu, gìn giữ sự tôn nghiêm các điểm du lịch tâm linh

Ngành Du lịch các địa phương cần hệ thống lại các điểm du lịch tâm linh, một mặt nâng cao chất lượng các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng hiện có, mặt khác cần kiểm soát chặt chẽ sự phát triển các điểm du lịch tâm linh mới. Vào những dịp lễ hội, cần có sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị chức năng liên quan nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm, linh thiêng, phục vụ tốt nhu cầu thư giãn, tín ngưỡng của du khách.

TS. Nguyễn Quốc Nghi
Tạp chí Du lịch 6/2018

Nguồn: vtr.org.vn