English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Thành phố với 800 cây được “nói”

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh được các cơ quan báo chí vinh danh là “Thành phố cây xanh”, “Thành phố công viên” hay “Thành phố trong rừng cây cổ thụ”…của Đồng bằng sông Cửu Long. Cây xanh đã vào tâm thức của người dân Trà Vinh với những tên gọi thân quen, mộc mạc như: Đường Hàng Me, Hàng Me, Cây Dầu Lớn,…gợi nhiều kỷ niệm như muốn níu chân du khách ở lại với vùng đất Duyên hải miền Tây này.

thanhphocay


Di tích Ao Bà Om, phường 8, thành phố Trà Vinh có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Phước Toàn

Trung tâm Xúc tiến Du lịch Trà Vinh xin giới thiệu với bạn đọc, du khách gần xa bài viết của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, đăng trên Báo điện tử: laodong.com.vn)

Tôi quyết định vượt hai nghìn cây số đến thành phố Trà Vinh chỉ với một lý do: Ngắm những cái cây. Với khoảng 800 cây cổ thụ khổng lồ trong các con phố nội đô, đúng là cả Việt Nam, ít có đô thị nào được mệnh danh là “miền xanh”, “thành phố công viên” một cách thương mến như Trà Vinh.

 Đại thụ trò chuyện với bầu trời

Nơi này, người ta đã nhân ái để cho những cái cây được nói, được kể lại câu chuyện từ trời xanh mây trắng suốt mấy trăm năm qua của mình. Việc miêu tả Trà Vinh xanh như thế nào ở giữa trung tâm tỉnh lỵ, với cây cổ thụ to mấy người ôm đứng ken dày như giữa rừng nguyên sinh, có lẽ nên nhường lại cho những bức ảnh góc rộng. Chỉ biết, Trà Vinh luôn tự hào vì mình là “công viên xanh của toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long”.

Giới nghiên cứu, các nhà hoạt động môi trường, giới văn nghệ sĩ cả nước để tâm tìm hiểu và vinh danh Trà Vinh là “Thành phố công viên” với hơn 800 cây sao, cây dầu, cây me… khổng lồ trong nội đô. Có những cây dầu thân to năm sáu vòng tay người trưởng thành dang ôm cùng lúc, cây được lập đền miếu thờ cúng, được đặt tên dân gian rất nổi tiếng là “cây dầu dù”. Tức là cây dầu có cái tán xòe tròn ra như cái dù (cái ô) che mưa nắng.

Miệt mài với Trà Vinh xanh, tôi cứ nghĩ: Với rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt ở mức cấm cả hái măng lẫn hái nấm của ta, giờ cũng hiếm nơi nào nhiều cây to như thành phố này. Cây to, san sát, cây nào cũng được kiểm đếm, đeo biển số. Nhất cử nhất động của cây cần báo với lãnh đạo, di dời, đốn hạ một cái cây to cần xin ý kiến đích thân Chủ tịch UBND tỉnh! Bà con người Việt, Khmer, Hoa… ở thành phố đậm sắc Khmer bậc nhất Việt Nam này sống quả là rất lãng mạn. Phố vắng, êm đềm, cổ kính với hàng chục ngôi cổ tự thâm u tràn ngập bóng cây xanh. Ngày râm mát miên man. Đường đêm xao xác, gió đùa trên mỗi tán cây. Người ta vẫn gọi các phố tỉnh lỵ của mình với những cái tên xưa cũ, thú vị: Đường Hàng Me (19 tháng 5), đường Hàng Sao (Lê Thánh Tôn), đường Cây Dầu (Nguyễn Thị Minh Khai)…

Những bộ rễ kỳ quái quanh ao Bà Om

Cây cổ thụ tràn ngập phố xá. Cây ken dày như so đũa, cây như hai hàng lính gác ven đường. Cây sừng sững mọc lên cả vỉa hè, các nhà dân, các trụ sở hành chính. Nhiều ngôi nhà có từ thời thuộc Pháp, giờ là trụ sở cơ quan cấp tỉnh, sân rộng gấp năm sáu lần nhà, sân sừng sững toàn cây to thẳng tắp như giữa một khu rừng Châu Âu. Nhiều cây nhất vẫn là ở các khu trường học, các ngôi chùa Khmer, với triết lý sống hài hòa với thiên nhiên. Trà Vinh có tới 144 ngôi chùa rợp bóng cây xanh, tối um như rừng rậm. Một chuyên gia đã tính: Nếu tính tỉ lệ 70% diện tích chùa ở Trà Vinh là rừng già, thì Trà Vinh có ít nhất 300ha rừng nơi cửa Phật!

Chùa Âng, ngôi chùa Khmer nổi tiếng và cổ kính nhất Trà Vinh có đến 36.000m2 cây xanh. Sư trụ trì chùa Âng cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, mọi sự việc diễn ra ở chùa, kèm theo số phận của các cây đại thụ kỳ vĩ nơi này đều được các thế hệ người trụ trì ghi chép cẩn thận. Cây là một linh hồn, một nhân chứng “biết nói” cần được ứng xử tôn trọng. Có ý kiến cho rằng, các ngôi chùa cổ xưa kia đều được xây cất bằng gỗ, nên nhà chùa rất chú trọng trồng và bảo vệ rừng chùa để khai thác “có kế hoạch” cho các đại công trình của mình.

Thế giới cây xanh biết “nói” nữa ở Trà Vinh, phải kể đến khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ao Bà Om. Một cái hồ áng chừng vuông hoặc hình chữ nhật, mỗi chiều chưa đầy 500m, nó chứa trong mình sự tích về chế độ mẫu hệ của người Khmer. Nhưng điều đáng sửng sốt hơn cả, có lẽ là chuyện về những tàng cây cổ thụ đứng chiu chít, nối tiếp nhau, rễ cây sao, cây dầu gồ ghề, uốn lượn, trồi lên mặt đất kỳ quái. Rễ cây trườn đi như những con mãng xà, như những búi dây chão vĩ đại.Có khi rễ bắc từ cây nọ sang cây kia như cái cổng chào. Có búi rễ sum suê loằn ngoằn đắp đống dị thường giữa một triền gò đất cát.

Có nhà khoa học giải thích: Cây dầu, cây sao mọc trên các đồi đất cát ven ao Bà Om, tự đặc trưng giống loài và thổ nhưỡng nơi này, nó cứ hùng vĩ qua thời gian, tự thân và rễ của chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật “có một không hai”. Còn tôi thì nghĩ khác: Người Trà Vinh “tay chơi” nhất Việt Nam. Họ chơi những bộ rễ, những tác phẩm cổ thụ giữa thiên nhiên bao dung tuyệt sắc kia. Đó là một phần di sản tinh thần của họ, họ kiêu hãnh đi quanh các tác phẩm đó, vẻ mặt viên mãn giản dị như một ông chủ vựa cây thế bon-sai đang chiêm ngưỡng những tác phẩm tiền tỷ của mình vậy.

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, người Khmer vốn theo phụ hệ. Người nữ thấy thế hơi vô lý, họ bèn đi đòi bình quyền. Người ta mới tổ chức một cuộc thi đào ao lấy nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Bên nam, bên nữ, cùng vào cuộc đào hai cái ao ở hai vùng đất có diện tích bằng nhau, yêu cầu là chỉ đào vào ban đêm, mỗi bình minh ló rạng là phải ngừng mọi công việc, bên nào xong trước bên đó thắng.

Bên nam cậy mình khỏe. Họ uống rượu, hò hát, tranh thủ ngủ và tán tỉnh phụ nữ. Bên nữ, do một bà tên là Om chỉ huy. Biết sức mình không mạnh bằng nam giới, bà Om chỉ huy chị em làm việc tích cực, đồng thời dùng mỹ nhân kế cho người sang mời rượu bên nam giới. Đặc biệt, họ còn dùng những cái đèn lồng treo lưng trời, giả làm sao Mai để phe bên nam trông thấy nghĩ là trời sắp sáng mới bỏ công trường về nghỉ sớm mỗi đêm.”

Cuối cùng thì cái ao dài 500m, rộng 500m của phe nữ đã xong trước, nước dâng lên đầy ăm ắp nghìn năm qua chưa bao giờ cạn. Bây giờ, chim nước về líu lo, cá quẫy tung tăng, sen súng nở hoa tưng bừng. Bên nam đào được cái ao toen hoẻn, chưa bao giờ đùn lên được một giọt nước. Từ bấy, người Khmer chuyển phong tục sang mẫu hệ, người nữ có quyền đi cưới hỏi người nam về làm… chồng. Năm 1996, Ao Bà Om được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Vì sao Trà Vinh có “kỳ tích cây cổ thụ”?

Nhiều người không khỏi thắc mắc: Vì sao nơi này có tỉ lệ 10m2 cây xanh trên đầu người, cao nhất trong các đô thị ở Việt Nam? Đất ở đây tốt? Cây cổ thụ ở đây nhiều là do người Pháp trồng nhiều từ mấy chục năm trước? Vì sao nhà quản lý địa phương tôn vinh cây xanh đến vậy? Lật lại lịch sử và các vấn đề vật lý, thổ nhưỡng khác, thì đúng là đất đai ở Trà Vinh khá phù hợp cho sự phát triển của hai loài cây lâu năm cực kỳ ưu việt trong việc cho ra đời “thành phố công viên”… Độ ẩm ở vùng châu thổ ven sông Cổ Chiên (một nhánh của hệ thống sông Cửu Long) này cao, nhiều giồng cát pha lẫn đất thịt đặc trưng, phù hợp với cây sao đen, cây dầu rái và nhiều loại cây gỗ tốt khác.

Còn một yếu tố nữa, là sự lãng mạn, tình yêu thiên nhiên từ trong máu thịt của người Trà Vinh. Nhiều gia đình có tới vài chục cây cổ thụ trong khuôn viên, họ còn trồng thêm nữa, họ nghiễm nhiên coi cây khổng lồ trong nhà mình nhưng là tài sản của Nhà nước, họ không được phép chặt, cũng không thấy sự “thiệt thòi” vì điều đó.

Hơn 100 năm qua, Trà Vinh liên tục phát triển, đô thị rộng ra, nay đã lên thành phố rồi, nhưng nhờ ý thức bảo tồn cao, khuôn viên cây xanh cổ kính của nó vẫn chưa bao giờ bị thay đổi, xâm hại (như hầu hết các đô thị khác). Hệ thống cây của Trà Vinh ngày càng xanh um, cổ thụ, mốc thếch, kỳ ảo qua thời gian.

thanhphocay1

Ảnh: Đường Lê Thánh Tôn (Đường Hàng Sao)

Đây, đường Hàng Me, rẽ qua đường Hàng Sao, đến phố Cây Dầu! Một chiều, tôi nghe đôi tình nhân ngẫu hứng ngửa cổ đón cánh hoa dầu ở ao Bà Om, hát say sưa: “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày… Có những chiều chợt gió bay lên/ Hoa dầu bay cành nảy lá đâm chồi/ Hỏi người cây lớn bao lâu?/ Ru tình ta, ru đời dạt dào”.

Sao Trà Vinh lãng mạn thế!

Hoàng Linh sưu tầm. Nguồn: Trích từ bài viết Thành phố với 800 cây được “nói” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao Động.