English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Tết của làng bánh phồng xứ Dừa

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Về làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre) những ngày này, thấy dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp. Mùi thơm của bánh mới ra lò khiến khách phương xa bị cuốn hút lạ kỳ vào “thủ phủ” của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa.

BP1

Bà Cao Thị Lệ, ấp Hưng Bình (Hưng Nhượng) phơi bánh phồng Sơn Đốc dưới cái nắng xuân

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết: “Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hiện có khoảng 34 cơ sở sản xuất, trong đó có 16 cơ sở quy mô tương đối lớn; giải quyết công ăn việc làm cho gần 500 lao động. Sản lượng bánh hằng năm từ 30 – 40 triệu chiếc.

Hai năm nay, nhờ sự hỗ trợ của các ngành, nhiều hộ dân đã trang bị máy quết bột tự động, máy cán, máy sấy… để làm bánh. Nhờ các máy móc này, người dân làm bánh nhanh hơn, đồng đều hơn, đáp ứng được các đơn hàng với số lượng lớn”. Bà Trần Thị Kim Hoàng ở ấp Hưng Hòa Tây (Hưng Nhượng) có thâm niên trong nghề gần 50 năm chia sẻ: Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiếng cho tới bây giờ. Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, cảm nhận được vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy. Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày quết bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng.

BP2

 Các chị tranh thủ cán bánh phồng cho kịp phơi nắng

Trước đây, giã bột thường là công việc của thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, quết xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh. “Để có bánh ngon khâu nào cũng quan trọng, phải chăm chút từng chút vì nếu xôi nếp bị “nín” thì bánh sẽ dở, quết bánh không mịn thì bánh không ngon, bánh cán không đều, không tròn thì cũng mất điểm. Bánh phồng nếu phơi không đủ nắng hoặc trời râm mát bánh sẽ bị chai, bị hư chỉ có thể bán rẻ lấy lại tiền nếp, nắng ngon thì bánh mới đẹp!” – bà Cao Thị Lệ, lò bánh Sáu Hát ấp Hưng Bình (Hưng Nhượng) cho biết thêm.

Nơi làm bánh luôn tỏa lên mùi hương thơm phức, anh Đặng Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX bánh phồng Sơn Đốc chia sẻ: “Cũng theo thị hiếu người tiêu dùng có lò cho thêm mít, sữa, sầu riêng hoặc hột gà. Đa số khách hàng thích bánh phồng sữa và sầu riêng. Nguyên liệu ngoài nếp sáp, ở đây bà con còn sử dụng mì củ cũng rất được khánh hàng ưa chuộng. Hiện nay các mối lái tranh nhau mua hàng. Bình thường giá bán chỉ 15 – 18.000 đồng/chục loại bánh phồng nếp; còn bánh phồng sữa khoảng 20 – 25.000 đồng/chục, mùa tết giá tăng thêm từ 2.500 – 3.000 đồng/chục. Mỗi hộ trong mùa tết có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Mỗi hộ làm bánh thường thuê từ năm nhân công trở lên, thu nhập cũng tăng cao trong mùa tết trên 3 triệu/tháng”, anh Hải nói.

Nhìn những đôi tay thoăn thoắt đang nâng niu tráng từng cái bánh tròn trịa. Những ai đi qua đây sẽ cảm nhận rõ rệt mùa xuân trên những nẻo đường quê. Và hơn hết là tấm lòng của những người thợ nhiệt tâm vẫn thức khuya dậy sớm miệt mài tạo ra từng chiếc bánh thơm ngon ngày Tết.

Nguồn Báo Văn hóa  – Hoàng Minh