.jpg?1581494027130)
Lùi lịch tổ chức hội chợ VITM 2020 để doanh nghiệp có chương trình kích cầu phù hợp )(Minh họa)
Khả năng hồi phục nhanh nhất
Cùng với sự bùng phát của dịch bệnh do virus nCoV gây ra, các trụ cột của ngành Du lịch – từ hàng không, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…. đều bị thiệt hại nặng nề. Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung, ước tính trong 3 tháng tới, thiệt hại mà dịch bệnh có thể lên đến 7,7 tỷ đô la Mỹ. Với những diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo được đưa ra tại hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV” vừa qua, phải tới đầu quý 4/2020, du lịch mới có thể phục hồi và trở lại bình thường.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB cho biết, giai đoạn sau khi những sự cố về dịch bệnh, khủng hoảng trong ngành Du lịch, lượng khách đi du lịch ngay là khách nội địa và khách trong khu vực. Với thị trường Việt Nam, thị trường xa lại là những thị trường phục hồi nhanh, như khách Anh sẽ trở lại sau ba tháng, khách đến từ châu Úc, châu Âu có thể từ 6 – 10 tháng, khách đến từ thị trường Mỹ có thể phục hồi hoàn toàn sau 12 tháng. “Sau khi hết dịch thì thị trường nội địa là giải pháp quan trọng, sau đó đẩy mạnh thị trường an toàn”, ông Trần Trọng Kiên gợi mở.
Du lịch nội địa chiếm vị trí quan trọng về lượng khách và tổng thu của ngành Du lịch. Ngay trong tháng 01/2020, giai đoạn trước khi dịch bệnh do virus nCoV bùng nổ, khách du lịch nội địa của Việt Nam đạt 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt 3,9 triệu lượt. Còn trong năm 2019, du lịch Việt Nam đã phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp vào nguồn thu chung đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với nhiều khủng hoảng do dịch bệnh trước đây, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng. Ông phân tích, “như tại đại dịch SARS, khi tháng 5 chúng ta công bố dịch, tháng 7, thị trường du lịch nội địa quay lại như cũ. Sau đó, cả thị trường nội địa và quốc tế đều bùng lên, vì cả thời gian trước nhu cầu du lịch bị nén lại. Vì vậy, chúng ta cần chớp cơ hội đó để thu hút khách về Việt Nam”.
Cùng với việc đưa ra những thông tin chính thống để du khách yên tâm, ngành Du lịch nên tập trung cho thị trường nội địa cũng là đề xuất của ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Theo ông Thắng, những vùng có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các đảo như tại Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn… hoàn toàn có thể xây dựng chương trình kích cầu, thúc đẩy khách nội địa đến. Ông nhấn mạnh, ngoài cơ quan quản lý là TCDL, chính quyền các địa phương cũng cần tham gia. Sự cam kết của chính quyền địa phương không chỉ để khách yên tâm mà còn có thể triển khai ngay.

Thu hút khách tới những điểm đến an toàn (minh họa)
Kích cầu kịp thời
Để phục hồi thị trường du lịch, bên cạnh các gói hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp du lịch – hàng không – khách sạn cũng cần triển khai các chương trình kích cầu. Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, kích cầu nội địa để nâng doanh thu từ du lịch nội địa lên và cam kết khối khách sạn sẵn sàng đồng hành cùng các chương trình vực dậy ngành Du lịch sau khủng hoảng.
Để chương trình kích cầu hiệu quả cần có sự chủ động của từng doanh nghiệp. Theo bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh – Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun World (Tập đoàn Sun Group), thị trường nội địa là trọng yếu của doanh nghiệp, chiếm 60-70% doanh số. Vì vậy, Sun World đã xây dựng kế hoạch để phục hồi nhanh nhất thị trường này thông qua các chính sách khuyến mại phù hợp, các hỗ trợ với các đối tác du lịch. Trong khoảng thời gian này, Sun World cũng hỗ trợ và đồng hành các đối tác lữ hành, du lịch như chia sẻ các rủi ro (gia hạn nợ, ra hạn vé/ngày sử dụng, hỗ trợ hủy giảm giá…).
Trước đó, tại Hội nghị “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus nCoV đối với Du lịch Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch các địa phương để tạo thành các liên minh kích cầu, trong đó đầu tàu là hiệp hội du lịch lớn. Ngay cả Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội – sự kiện du lịch lớn của ngành Du lịch cũng dự kiến lùi lại thời gian tổ chức (dự kiến ban đầu vào đầu tháng 4/2020), để các doanh nghiệp, các địa phương có thời gian phục hồi và xây dựng các chương trình kích cầu phù hợp giới thiệu, chào bán tới các đối tác trong và ngoài nước.
Nguyễn Hương