English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Sự tích Lễ hội Đua Ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Đua ghe ngo (Un Túk) là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok. Trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, ghe ngo giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội, là linh vật của phum sóc. Đua nge ngo là một lễ hội văn hóa dân gian trong rất nhiều lễ hội độc đáo có sức lan tỏa, tồn tại và phát triển thành lễ hội văn hóa thể thao thu hút ngàn hàng người tham dự.

Ghe ngo là chiếc thuyền dài cong vút được làm bằng gỗ có thân dài khoảng 25 mét, chiều ngang ở giữa lớn nhất 1,4 mét, vuốt suôn về hai đầu nhỏ còn 0,4 mét. Trong lòng ghe đặt ngang những thang ghế đôi từ đầu tới cuối ghe. Ở đầu ghe, cuối ghe được những người thợ tài hoa vẽ hình những con vật với màu sắc rực rỡ uy phong như: Cọp, voi, ngựa, ó biển, dơi, sư tử, nàng tiên cá…trên thân ghe ngo.

  Le hoi dua ghe Ngo1

 Ảnh. Lễ hội đua ghe ngo trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh

Ghe ngo được bảo quản đặc biệt trong khuôn viên chùa và dựng một nhà ghe (rông – súk) thiêng liêng. Hàng ngày các sư sãi và phật tử thắp nhang cúng Phật, thắp nhang, dâng bâng ghe ngo.

Về sự tích đua ghe ngo có nhiều truyền thuyết gắn liền với đời sống sông nước như làm ăn chuyên chở bằng ghe, đánh giặc giữ đất. Đua ghe ngo được tổ chức nhằm luyện tay nghề, vừa nêu cao ý thức cộng đồng.

Lại có lời kể, lễ hội đua ghe ngo gắn liền với đạo Phật. Ngày xưa có một ngày vào giờ ngọ, giờ mà các nhà sư đang trên đường khất thực bỗng dưng nước đổ ào ào mênh mông. Các phật tử dốc sức chở sư sãi về chùa. Lễ hội đua ghe ngo tổ chức theo tinh thần chạy ghe ấy.

 phong su anh 2500

 Ảnh. Vẽ hoa văn trên ghe ngo, ảnh: Thạch Pích, nguồn: https://www.soctrang.gov.vn.

Có truyện kể rằng ngày xưa có nàng Neàng Chanh vừa xinh đẹp, lại vừa có tài nấu ăn không ai bằng được triệu vào cung nấu ăn cho vua. Từ khi nàng vào cung, thức ăn nàng nêm nấu rất ngon và vua chỉ ăn khi nàng nấu. Vua thưởng cho nàng nhiều qùa quý, đặc biệt là cái dutho – một cái ống nhổ bằng vàng. Sự việc ấy làm hoàng hậu và viên đại thần ghen tuông, bực tức. Thế là họ hợp nhau để triệt loại Neàng Chanh. Họ rình rập hàng ngày và biết Neàng Chanh có móng tay dài xinh đẹp thường xúc muối mắm nêm nấu. Viên đại thần và hoàng hậu vu oan cho Neàng Chanh bỏ bùa thuốc vào móng tay để hại nhà vua. Nhà vua nội giận hạ chỉ sát hại nàng, Neàng Chanh được người ta mật báo bèn bỏ trốn. Vua đích thân chỉ huy quân sĩ tìm giết nàng. Cuộc đuổi bắt Neàng Chanh khắm vùng Bassắc để lại những dấu tích đầy ý nghĩa. Nơi nàng dừng ghe lên nấu cơm, bị đuổi bỏ lại nồi cơm chưa chín. Chổ này là (baysau – cơm chưa chín) nay là Bãi Xào. Nơi nàng vứt trả lại vua cái dutho – ống nhổ bằng vàng chổ vàm nước xoáy chảy xiết cứ nổi bồng trả tận tay nhà vua, chổ này mang tên vàm Dutho. Cuối cùng nàng bị nhà vua bắt được tại cửa biển Mỹ Thanh. Trước lúc bị trảm quyết Neàng Chanh lên tiếng: Nàng sống trong sạch, nàng không có tội. Nàng xá xin trời đất minh oan cho mình, khi chết xin máu nàng biến thành con sò, con hến trên sông Bassắc, xin tóc nàng hóa thành rễ cây dừa đen mượt, xin ngực nàng biến thành trái bần, xin bắp vế nàng thành bập dừa nước…Lưỡi đao oan nghiệt vung lên, máu thịt Neàng Chanh đã hóa sinh linh cây lá như nàng nguyện. Người sau thương nhớ Neàng Chanh hàng năm mở lễ hội đua ghe ngo – Un túk để diễn tả cuộc truy đuổi đó.

Ngày nay lễ hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival cấp khu vực nhằm bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ hội đua ghe ngo gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2017 diễn ra trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh vào lúc 13 giờ 00 ngày 02/11/2017 với 7 đội của các huyện, thị xã và thành phố Trà Vinh tham gia 02 nội dung cự lý 1.200 mét và 800 mét.

Bài viết: VTT.

*Tài liệu tham khảo:

– Phạm Thị Phương Hạnh (2001), Văn hóa Khmer Nam bộ Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, HN.

– Trần Văn Triệu (2011), Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng, NXB Phương Đông.