English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Sản phẩm du lịch Xứ Dừa – Đa dạng và hấp dẫn

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có bờ biển dài 65 km, phía Bắc giáp Tiền Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Trà Vinh; hợp bởi 3 dãy cù lao lớn: Cù lao Minh (giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên), Cù lao Bảo (nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông) và Cù lao An Hoá (nằm giữa sông Tiền và sông Ba Lai). Tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố, gồm 164 xã, phường, thị trấn. Diện tích đất tự nhiên cả tỉnh hơn 2.360km2; dân số khoảng 1.300.000 người.

xudua1


Buổi Chợ hoa xuân bên dòng sông Bến Tre – Ảnh XTDL

Về vị trí địa lý, Bến Tre nằm ở vị trí thuận lợi trong việc đón, phục vụ và lưu giữ du khách từ các trung tâm du lịch trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Hệ thống sông ngòi chằng chịt là thiên đường của du lịch sông nước miệt vườn; được mệnh danh là “xứ dừa” với trên 68.000 ha và “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn – Chợ Lách, là một trong những cái nôi cây ăn trái và cây giống của Nam bộ,…. Nhiều di tích lịch sử như nhà truyền thống Đồng Khởi, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam, khu tưởng niệm và mộ phần các danh nhân Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thị Định cùng nhiều đình, chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia… Những điệu hát, câu hò, hát sắc bùa, cải lương mang đậm sắc thái vùng sông nước Miền tây Nam bộ. Đến Bến Tre, du khách thỏa sức trãi nghiệm qua nhiều làng nghề hoa kiểng, cây giống, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre… hay thực phẩm bánh, mức, mỹ phẩm… cho đến các loại hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa do các nghệ nhân xứ dừa chế biến.

Bến Tre được mệnh danh là Xứ Dừa và được 4 nhánh sông Cửu Long bao bọc nên du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa đang rất được du khách gần xa biết đến qua các truyến du lịch như: Tuyến Mekong sinh thái sông nước (Long, Lân, Qui, Phụng), du thuyền trên sông Tiền, chèo xuồng, đi xe ngựa đường làng, ăn trái cây, nghe nhạc tài tử, tham quan vườn cây trái, lò kẹo dừa, khu du lịch Đạo Dừa; Tuyến Mỏ Cày Nam – Cái Mơn, du thuyền tham quan chợ nổi buôn bán dừa, lò kẹo dừa, cơ sở chỉ xơ dừa, làng hoa kiểng – cây trái Cái Mơn…; Tuyến sinh thái sông nước 3 xã Mỹ Thạnh An – Nhơn Thạnh – Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, du thuyền trên sông Bến Tre, tham quan lò gạch, các cơ sở chế biến dừa ven sông, lò kẹo dừa, vườn dừa dứa, làng nghề dệt chiếu, chèo xuồng…; Tour về nguồn Giồng Trôm – Ba Tri, viếng khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, sư biểu Võ Trường Toản và tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ Phan Thanh Giản…; Tour du lịch sinh thái biển Thạnh Phú: Tham quan di tích Đồng khởi, nhà cổ Huỳnh Phủ, làng nghề làm nón, làm lu, rừng sinh thái ngập mặn, thưởng thức hải sản tươi sống, sinh hoạt cộng đồng dân cư miền biển…

Đến Bến Tre, du khách có cơ hội chọn nhiều điểm đến như du lịch Cồn Phụng và các vườn cây trái lân cận; Resort Forever Green Phú Túc, Châu Thành; điểm du lịch Phú An Khang xã Bình Phú, Thành phố Bến Tre; vườn hoa kiểng và cây trái Cái Mơn – Chợ Lách; vườn dừa Cồn Ốc – Hưng Phong. Các nhà hàng từng chinh phục thực khách khó tính với nhiều món ăn độc đáo Xứ dừa (Gỏi củ hủ dừa tôm-thịt; tép rang dừa; thịt kho nước dừa và cơm dừa) như: Nhà hàng Sông nước Miền tây; nhà hàng Cồn Phụng; nhà hàng Diễm Phượng; nhà hàng Nổi Bến Tre; nhà hàng sân vườn Phú An Khang. Dịch vụ lưu trú cả theo chuẩn khách sạn hay dạng homestay như: Khách sạn Riverside, 4 sao, Khách sạn 3 sao có: Việt Úc, Hàm Luông và Forever Green resort; khách sạn Hùng Vương. Homestay nhà dân được du khách ưa thích có Cái Cấm, Mỏ Cày Bắc; Năm Hiền, Chợ Lách; Duyên Quê, Hai Hồ, Ba Danh ở Nhơn Thạnh, TP Bến Tre.

xudua2

Làm kẹo dừa thủ công – Ảnh XTDL

Bến Tre hiện có 16 di tích cấp quốc gia, 31 cấp tỉnh và lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng nhiều danh lam thắng cảnh đang được khai thác, phát huy một cách sống động trong hoạt động du lịch. Những địa phương có các khu di tích lịch sử văn hóa thường xuyên bảo quản sạch đẹp và tạo sản vật mang tính đặc trưng riêng phục vụ du lịch hiệu quả. Nhiều dự án du lịch tại những cồn trên sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên đang được mời gọi đầu tư cũng như tiếp tục thực hiện các dự án khu du lịch Mekong Pearl Cồn Phụng, khu du lịch cồn Phú Bình, sân chim Vàm Hồ – Ba Tri, khu du lịch sinh thái cồn Ốc…

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Giồng Trôm; làng hoa kiểng và cây giống Cái Mơn, Chợ Lách; làng nghề đan đát và nấu rượu Phú Lễ, Ba Tri; làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa Mỏ Cày Nam và Châu Thành luôn hấp dẫn du khách đến trải nghiệm. Đặc sản Bến Tre phong phú và đa dạng: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng sửa, kẹo dừa, rượu Phú Lễ, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa cùng nhiều loại trái cây nổi tiếng: Bưởi da xanh, dừa xiêm, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt.

Liên tuyến du lịch: Tuyến trục quan trọng nhất hiện nay của du lịch vùng ĐBSCL là trục từ TPHCM – Cần Thơ. Bến Tre là tâm điểm vùng du lịch phía đông ĐBSCL với các tuyến chính là: Tuyến TPHCM – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Vĩnh Long – Cần Thơ nối các tỉnh phía tây An Giang, Kiên Giang…(ngược lại) và tuyến TPHCM – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng nối các tỉnh phía nam Bạc Liêu, Cà Mau…(ngược lại).

Phương hướng phát triển du lịch bền vững, tới đây, ngành du lịch Bến Tre sẽ kêu gọi đầu tư thêm các cơ sở lưu trú và nhà hàng, cơ sở ăn uống mới tại TP Bến Tre và các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách đạt chuẩn phục vụ du khách cũng như tập trung phát điểm du lịch phục vụ thưởng ngoạn, trải nghiệm cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, vườn dừa xen ca cao và bưởi da xanh;… Ngoài ra, TP.Bến Tre nghiên cứu phát triển cụm du lịch cộng đồng, tạo điểm nhấn từ các không gian dừa độc đáo, khu vui chơi giải trí theo tuyến ven sông từ cầu Mỹ hóa về cầu Bến Tre. Sớm đầu tư xây dựng bến tàu du lịch của tỉnh để hướng các công ty lữ hành thành Trung Tâm lữ hành mở rộng các tuyến du lịch sông nước về Giồng Trôm phát triển du lịch cộng đồng xã Hưng Phong (cồn Ốc) và các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và huyện Chợ Lách. Hy vọng từ nay đến năm 2020 du lịch Xứ Dừa sẽ đón và phục vụ trên 1.700.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.890 tỉ đồng và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Thanh Sơn