English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Phát triển du lịch và những hệ luỵ – cảnh sát du lịch, tại sao không?

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp cùng những lợi thế đáng kể về du lịch khác nhưng hiện nay lượng khách du lịch tìm đến nước ta vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng. Không những thế, các thống kê cho thấy đa số du khách đến Việt Nam đều “một đi không trở lại”.

Khu vực Bãi Sau chiều 30/4 ken đặc người. Nhân dịp nghỉ lễ dài ngày, hàng chục nghìn người đã đổ về Vũng Tàu tắm mát, nghỉ ngơi

Điển hình, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, cán bộ, công chức, viên chức người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục nên rất nhiều người đã tranh thủ về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch. Đó là lý do khiến cho các trung tâm du lịch, khu vui chơi trong cả nước đâu đâu cũng chật cứng người. Đặc biệt, trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ, lượng khách đổ về các thành phố biển tăng đột biến. Các bãi biển Vũng Tàu, Long Hải, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bình Định, Phú Quốc… luôn trong tình trạng quá tải, bãi biển chật như nêm, không ít du khách phải nhờ “cò” thu xếp chỗ ở, ghế ngồi. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt, yêu cầu các quán ăn, nhà hàng ký cam kết không lợi dụng dịp lễ để tăng giá, “chặt chém” nhưng do lượng khách tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường nên không ít cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống vẫn tranh thủ tình trạng quá tải để tăng giá trên trời. Trong bối cảnh ấy, tâm lý của du khách là mong có một lực lượng chức năng để phản ánh, nhờ can thiệp kịp thời.

Hiện nay, ngành Du lịch đang còn tồn tại khá nhiều vấn đề bức xúc ảnh hưởng tới hình ảnh và sự phát triển của du lịch. Cụ thể, tại cuộc Hội nghị “Diên Hồng” về du lịch, tổ chức tại Hội An mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề cập, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN, nhưng 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi lo sợ: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe,  tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Các tuyến đường dẫn về bãi biển chật kín phương tiện giao thông

“Lực lượng chức năng” ở nhiều nước trên thế giới hoặc các nước trong khu vực – như Singapore, Thái Lan… không ai khác chính là cảnh sát du lịch (CSDL), một hình ảnh khá quen thuộc với du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Đó là lực lượng an ninh du lịch có nghiệp vụ cơ bản, am hiểu về luật pháp du lịch, hiểu biết sâu phong tục tập quán của nhiều quốc gia, đặc biệt họ có trình độ ngoại ngữ giao tiếp và luôn biểu lộ sự thân thiện, hòa nhã, hiếu khách. CSDL đóng chốt hay di chuyển tùy thuộc vào quy mô tuyến điểm, mật độ du khách qua lại. Họ được quyền giám sát và kiểm tra những biểu hiện sai phạm ở các điểm vui chơi giải trí, di tích, thắng cảnh,  khách sạn, nhà hàng. Khi du khách gặp sự cố hoặc cần giúp đỡ, CSDL lập tức xuất hiện. Từ việc nhiệt tình hướng dẫn, chỉ đường cho khách đến các điểm tham quan, bến tàu, bưu điện, nhà hàng, đến can thiệp, giải cứu khi du khách bị bắt chẹt, tấn công. Với những du khách có hành vi, ứng xử chưa văn minh, họ nghiêm khắc nhắc nhở tôn trọng và thực hiện những quy định bảo vệ di sản, thắng cảnh, môi trường sinh thái. Với khách vi phạm luật du lịch nước sở tại, tùy mức độ có thể họ sẽ nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền hoặc truy tố ra tòa…

Theo TS.Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nói, việc xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi ngọn, thì cần biến chủ trương đó thành hiện thực. “Chúng tôi rất mừng khi Chính phủ đã cho phép thí điểm ở Đà Nẵng, đây là chủ trương rất  đúng đắn của Nhà nước dưới sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp, các ngành hiện nay. Một thực tế chúng ta đều nhìn thấy, du lịch là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng, tính xã hội hóa cao nên luôn xảy ra nhiều vấn đề như: cướp giật, trộm cắp, chặt chém, giao thông, buôn bán,…Trong khi ngành Du lịch lại không có chức năng và thẩm quyền được giải quyết những vấn đề này. Ngành chỉ có chức năng phối hợp giải quyết vấn đề này, nên nhiều khi “du lịch trở thành nạn nhân. Để cạnh tranh với các nước chính là môi trường, nó còn góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của quốc gia, điều này phụ thuộc rất nhiều ở các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan đảm bảo an ninh cho du khách.”, TS.Tuấn phân tích.

Ngành du lịch nước ta sau nhiều năm phấn đấu đã gặt hái được những thành quả đáng kể: Đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Tuy vậy, ngành công nghiệp không khói của nước ta vẫn tồn tại nhiều vấn nạn, nhất là tình trạng bắt chẹt, lừa gạt, móc túi, đối xử thô bạo,  thiếu văn hóa… gây cho du khách sự khó chịu, bực mình. Đặc biệt, dạo gần đây rộ lên tình trạng “chặt chém”, cướp giật, hành hung du khách. Trước tình trạng trên, ngành du lịch và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm giúp đỡ, bảo vệ du khách trong và ngoài nước khi họ bị kẻ xấu tấn công, hành hung, cướp giật… Tuy vậy, lực lượng này chủ yếu là phối hợp liên ngành để bảo vệ du khách chứ chưa được mở rộng quyền hạn, cho phép xử lý những hiện tượng tiêu cực ngay trong hoạt động kinh doanh du lịch như một số trường hợp đã đề cập ở trên, chưa kể trình độ ngoại ngữ, kiến thức về du lịch của các thành viên còn nhiều bất cập.

Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từng chia sẻ, thời gian qua, việc bảo đảm an toàn cho du khách thì nhiều lực lượng chuyên môn, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã làm. Tuy nhiên, nếu có lực lượng CSDL thì vẫn tốt hơn. Họ sẽ là lực lượng giải quyết nhanh, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Nếu có chủ trương thành lập lực lượng này sẽ rất tốt.

Khi thảo luận về Luật Du lịch, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên thành lập lực lượng CSDL, điều này sẽ góp phần xóa những nỗi sợ của du khách khi tới Việt Nam như cướp giật, chèo kéo… vốn là những nguyên nhân khiến nhiều khách quốc tế một lần tới Việt Nam rồi… không quay trở lại.

Được “chính danh” và chuyên nghiệp hóa công tác bảo vệ du khách, lực lượng CSDL sẽ góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn, cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong những tình huống phát sinh, tăng thêm sự an tâm cho du khách. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách đã phát biểu rằng chỉ cần bắt gặp hình ảnh người CSDL là họ có thể yên tâm về một điểm đến an toàn.Cảnh sát du lịch giải quyết nhiều vấn đề cho du khách.

“Cảnh sát du lịch nên giống như đội phản ứng nhanh và có nhiều quyền  hành hơn, làm đầu mối phối hợp với các đơn vị chuyên trách như cảnh sát khu vực, an ninh trật tự, thị trường, thuế…, để làm đầu mối hướng dẫn, giải quyết các vấn đề cho du khách. Cảnh sát du lịch ở nhiều nước rất thân thiện, họ sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn tour, đưa bản đồ hướng dẫn cho khách đi…, điều này tạo hình rất ảnh đẹp đối với khách du lịch. Vậy nên, trong tình hình hiện nay, việc thành lập cảnh sát du lịch là cần thiết để thúc đẩy ngành Du lịch được phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Tranviet Travel. Cần tính toán tránh bộ máy cồng kềnh 

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ cho phép thành lập cảnh sát du lịch ở những tỉnh làm du lịchtrọng điểm. Cái chính là tạo môi trường điểm đến an toàn, thoải mái và tạo sự hài lòng cho du khách. Đối với những tỉnh chỉ mới có tiềm năng, chưa có nhiều vấn đề xảy ra thì không nhất thiết phải thành lập lực lượng đó.  Lực lượng cảnh sát cần được bố trí linh hoạt, việc tăng giảm hay sử dụng hợp lý hơn lực lượng sẵn có cần có sự tính toán để tránh bộ máy cồng kềnh và lãng phí”, TS.Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch.

Theo https://thuonggiathitruong.vn