English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Phát triển du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Du lịch với khả năng ứng dụng nhanh chóng những thành tựu công nghệ 4.0 có thể trở thành một trong những ngành phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, du lịch trực tuyến (DLTT) đang từng bước thay thế hoạt động của nhiều khâu trong du lịch truyền thống và khẳng định là xu thế tất yếu của ngành công nghiệp không khói nước nhà.

Phát triển du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu

                        Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Ngày Du lịch trực tuyến năm 2019.

Hiện nay, sự ra đời của một loạt nền tảng công nghệ đã cho phép du khách có thể tương tác kỹ thuật số ở mọi khâu của quy trình lập kế hoạch du lịch, từ chọn điểm đến, xây dựng lịch trình tới đặt dịch vụ, trải nghiệm và chia sẻ. Do đó, xu hướng du lịch cá nhân hóa, đặc biệt ở nhóm du khách trẻ đang ngày càng trở nên phổ biến với sự tăng mạnh của tầng lớp khách lẻ. Kết quả nghiên cứu cuối năm 2018 của Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương và Oxford Economic chỉ ra: để lựa chọn mục tiêu du lịch, 73% lượng khách sử dụng nguồn trực tuyến, trong đó 35% dựa vào ý kiến đăng tải bởi các du khách đã đi trước đó. Thông qua kết quả này cho thấy có một thực tế là số lượng không nhỏ người châu Á được truyền cảm hứng du lịch trực tiếp bởi những gì bạn bè họ chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là những lý do khiến DLTT không ngừng nở rộ những năm qua. Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 cho thấy: năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng hơn 30%, quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD, trong đó bán lẻ trực tuyến và DLTT chiếm tỷ trọng cao nhất. Theo Báo cáo của Google và Temasek, quy mô DLTT Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến năm 2019 sẽ lên tới 9 tỷ USD. Rõ ràng, DLTT đang là xu thế không thể phủ nhận với khả năng mang đến cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn ngành du lịch.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin ở nước ta đã xây dựng được những phần mềm thông minh hỗ trợ kinh doanh, quản lý du lịch. Một số doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng thành công các công cụ trực tuyến, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, phong trào khởi nghiệp trong du lịch cũng phát triển rầm rộ với hầu hết doanh nghiệp bắt đầu từ ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ thông tin. Tiêu biểu trong đó phải nói tới gotadi.com, ivivu.com, tripi.vn, vntrip.vn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DLTT Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình định hình trước khi bùng nổ. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng quy mô thị trường du lịch Việt Nam mới chỉ đứng thứ năm trên sáu nước được xếp hạng ở khu vực Đông-Nam Á, sau In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po. Chia sẻ về những thách thức để phát triển DLTT ở Việt Nam, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch gotadi.com, một doanh nghiệp DLTT chuyên cung ứng các dịch vụ đặt phòng, vé máy bay và tua du lịch cho biết: Khó khăn lớn nhất nằm ở công nghệ và nguồn lực. Phát triển DLTT phải dựa trên nền tảng công nghệ, nhưng sản phẩm công nghệ Việt Nam còn thiếu và yếu, nguồn nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu định hướng gia công sản phẩm hơn là xây dựng, sáng tạo sản phẩm. Bên cạnh đó, phát triển DLTT cần sự đầu tư ban đầu khá lớn, trong khi các doanh nghiệp du lịch nước ta phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh; nhận thức của lãnh đạo nhiều công ty vẫn muốn an toàn, ngại thay đổi…, vì vậy nhìn chung, DLTT của Việt Nam chưa thể tạo ra những đột phá. Thêm nữa, các doanh nghiệp DLTT trong nước còn phải chịu sức ép cạnh tranh từ những doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh DLTT tại Việt Nam như Agoda, Booking, TripAdvisor… Đây đều là những đơn vị đi trước ta hàng chục năm về công nghệ và có tiềm lực mạnh về vốn, do đó doanh nghiệp trong nước dễ bị thua ngay trên sân nhà. Bằng chứng của sự lép vế là theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các đại lý DLTT nước ngoài này vẫn đang chiếm giữ hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến ở nước ta. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú ở Việt Nam thường xuyên bị ép giá để có thể bán hàng trên các trang này…

Tại Ngày Du lịch trực tuyến 2019 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia du lịch, đại diện các doanh nghiệp du lịch đề xuất nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho DLTT Việt Nam. Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch – Tổng cục Du lịch, để phát triển DLTT, vấn đề quan trọng nhất là phải có hệ thống dữ liệu số đầy đủ, đồng bộ về các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm, thông tin cần thiết về du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kho dữ liệu số riêng, nhưng nhìn chung còn tản mát, thiếu tính kết nối và đồng nhất. Do đó, các đơn vị du lịch cần có sự chia sẻ, kết nối, đóng góp để xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia. Đây sẽ là mạng lưới thông tin để các doanh nghiệp Việt Nam tạo được sức mạnh cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng nên lưu ý: ngoài tập trung vào kinh doanh trực tuyến để chào bán sản phẩm, cần đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm du lịch cung ứng cho khách. Bởi nếu bị phàn nàn, đồng nghĩa việc uy tín thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh. Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng là cần khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng triển khai nền tảng kỹ thuật số bằng cách đầu tư nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng trực tuyến và quản lý dữ liệu để bảo đảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những điểm đến ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, cần có chính sách để hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh. Hệ thống này sẽ tăng cường cơ hội cho các điểm đến và doanh nghiệp, các nhà quản lý, trong đó bao gồm phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng di động, tạo sự hợp tác giữa các bên liên quan để bảo đảm phát triển bền vững.

TRANG ANH

Nguồn: báo Nhân dân