English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Phát huy giá trị văn hóa làng nghề trong phát triển kinh tế – Du lịch

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Trong những năm qua, sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thu hút khách du lịch và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là một trong những ngành hàng được coi là mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu.

man1

Sản phẩm TCMN của làng nghề Thạch Cầu, Nam Trực, Nam Định

 

Chịu sức ép cạnh tranh từ các quốc gia

Mới đây, tại Hội thảo “Hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị phát triển ngành TCMN”, ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam có nhiều nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu một số nghề như: gốm, mây tre đan, sơn mài, khảm trai… Thực tế cho thấy, sản phẩm của ngành có nhiều tiến bộ cả về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, ngành TCMN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự biến động của thị trường trong và ngoài nước do tác động của khủng hoảng kinh tế; sự gia tăng của giá trị nguyên liệu đầu vào, của nhiên liệu, công lao động…

Trong khi giá bán xuất khẩu ngày càng chịu sức ép cạnh tranh từ các quốc gia có điều kiện can thiệp cơ khí hóa vào hoạt động sản xuất thủ công, đã đẩy lợi nhuận của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu xuống dưới mức cho phép, thậm chí nhiều DN đã phải ngừng hoạt động kéo theo một số lớn lao động tại nhiều làng thất nghiệp, bỏ nghề.

“Phần lớn các cơ sở đơn vị thuộc lĩnh vực này vẫn phát triển ở quy mô nhỏ. Các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp. Hơn nữa, do thiếu sự phối hợp đồng bộ nên sản phẩm thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”, ông Dần nói.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng hóa với xu thế ưu tiên các sản phẩm bền vững, có giá trị gia tăng thể hiện những đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia sản xuất… sự khác biệt của hàng TCMN Việt Nam chính là dựa trên các liên kết bền vững. Các chuỗi giá trị trong sản xuất từ nguồn nguyên liệu, chế tác, phân phối… đều bền vững. Giá trị cốt lõi của hàng TCMN Việt Nam là giá trị bền vững. Do vậy, liên kết chuỗi giá trị ngành TCMN chính là cơ hội để TCMN Việt Nam khẳng định vị trí và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài…

Cần phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có gần 5.500 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động và tạo ra khối lượng sản phẩm giá trị hàng hóa hàng chục nghìn tỷ đồng. Tiềm năng lớn như thế, song các làng nghề vẫn chưa phát huy hết năng lực, thế mạnh của mình; chưa có sự liên kết trong làng nghề trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

“Trên thực tế, do chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ khiến thu nhập của người sản xuất thường quá thấp và để trung gian thu lợi lớn. Làng nghề chưa phát huy được hết tiềm năng, tiềm lực là việc liên kết giữa các cơ sở, làng nghề còn nhiều hạn chế”, ông Đặng Huy, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Hiệp hội làng nghề Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Huy, để làng nghề phát triển ổn định cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, khoa học giữa các cá nhân, các thành viên trong làng nghề. Việc tạo ra các tổ chức, hợp tác xã kiểu mới vừa làm cầu nối giữa các cá nhân, tập thể tạo ra sự liên kết bền vững, vừa đóng vai trò tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đầu ra, vốn, nguyên liệu, quảng bá thương hiệu…

Còn theo ông Hà Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục VHTT cơ sở, các làng nghề nên biết khai thác phát huy không những góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở mà rất phù hợp, cần thiết với việc phát triển du lịch cộng đồng hiện nay. Kết nối tour du lịch hiện có với làng nghề là hướng đi đã và đang phát triển.

Bên cạnh đó, các trung tâm khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch… quan tâm giúp đỡ về huấn luyện về khởi nghiệp doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, kỹ thuật lập kế hoạch, phát triển ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu phân tích thị trường, thương mại điện tử, marketing, chăm sóc khách hàng… Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để làng nghề tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đảm bảo có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, đầu ra cho sản phẩm, bảo trợ pháp lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở…

Nguồn: Quang Vinh – Báo Du lịch