English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Liên kết phát triển du lịch là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong tình hình mới

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Chưa bao giờ ngành du lịch lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như năm 2020. Nhưng trong bối cảnh đó, chúng ta thấy rõ xu hướng liên kết ngày càng chặt chẽ trong ngành du lịch nhằm ứng phó với Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch.

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra tại Quảng Nam vào ngày 28/11 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”


Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất. Các hoạt động du lịch bị gián đoạn, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, các doanh nghiệp còn hoạt động gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, tài chính, nhiều lao động chuyển sang các ngành, lĩnh vực khác…

Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời đề nghị các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc tăng cường liên kết để bảo đảm đảm hiệu quả kích cầu du lịch.

Trong thời gian qua, ngành du lịch đã chứng kiến nhiều chương trình liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho khách du lịch; liên kết trong triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch; liên kết phục hồi hoạt động du lịch; và xa hơn là liên kết trong hoạch định chính sách phát triển du lịch.

Tiêu biểu trong đó là chương trình liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng trong cả nước như: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh Đông Bắc. Hay như chương trình liên kết giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Liên kết phát triển du lịch giữa 03 tỉnh Nghệ An – Hải Phòng – Bình Định; Liên kết kích cầu du lịch Thu Đông miền Bắc gồm Sở Du lịch Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch một số tỉnh khu vực Bắc – Trung – Nam…

Bên cạnh đó, sự ủng hộ và vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông báo chí đã giúp phát huy hiệu ứng kích cầu và liên kết lan tỏa rộng rãi, góp phần phục hồi nhanh lượng khách du lịch trong nước.

Hiệu quả của các chương trình liên kết kích cầu du lịch là rất rõ ràng. Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh trở lại vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7, có lúc cao hơn cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch. Công suất buồng phòng được phục hồi, nhất là vào dịp cuối tuần. Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến và mở thêm đường bay mới. Vào dịp cuối năm, nhân dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán lượng khách du lịch đăng ký đặt phòng và hợp đồng du lịch trọn gói tại các địa phương đã tăng trở lại, có nơi lượng đặt phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 70-80% công suất.

Tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra tại Quảng Nam vào ngày 28/11 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, nhiều ý kiến đánh giá cao vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch trong việc định hướng, dẫn dắt các chương trình liên kết ứng phó, phục hồi du lịch trong tình hình mới. Các ý kiến cũng thống nhất khẳng định, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Do vậy, liên kết là yếu tố cốt lõi trong phục hồi du lịch và cần được thực hiện một cách bài bản, có định hướng lâu dài để phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Trong tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, sự đồng lòng, gắn kết chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi đà tăng trưởng và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: TCDL