English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Lầu thờ Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương: Tiềm năng du lịch tâm linh

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Ngày 10/12/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức lễ công bố Quyết định số 1448/QĐ-UBND, ngày 07/9/2015 về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Lầu thờ Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương (Lầu thờ Bà). Việc UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Lầu thờ Bà nhằm khẳng định giá trị khoa học lịch sử, văn hóa của di tích này góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời, Sở VH-TT-DL đang xem xét gắn di tích Lầu thờ Bà với những tour du lịch của tỉnh nói chung, thị xã Duyên Hải nói riêng.

lauba

Những huyền tích thu hút khách du lịch



Cách trung tâm xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải khoảng hơn 01 km về phía Nam, thuộc ấp Ba Động đang hiện hữu khu di tích này. Ở Trường Long Hòa, có nhiều huyền tích, hiện nay có 03 huyền tích mà nhiều người dân biết đến. Thứ nhất, là ngôi mộ cổ mà người dân trân trọng gọi “mộ Quận chúa”, tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 500 m2, nằm giữa đầm cây cỏ rậm rập. Mộ có vòng thành bên ngoài. Khu mộ chừng 80m2 được xây bằng đá, hiện phủ rêu xanh. Theo các cụ cao niên sống ở đây, đó là mộ em (hoặc chị) vua Gia Long chết và an tang tại đây.

Gần mộ Quận chúa là Lầu thờ Bà ở xóm dưới (nay là ấp Ba Động). Lầu được trùng tu kiên cố năm 2008, tọa lạc  trên diện tích 3000 m2. Phần Lầu thờ Bà rộng khoảng 08x20m, gồm 02 tầng: tầng triệt thờ Bà Chúa xứ, tầng lầu thờ cốt Bà Cố Hỷ Thương Động nương nương. Theo các cụ sống ở Ba Động, đây là nơi thờ Bà Triệu Thị Trinh. Theo truyền thuyết dân gian nói rằng xưa kia, có 02 sắc phong anh em Bà Triệu bị trận bão lớn từ Bắc trôi dạt tấp vào tận đây. Nhân dân đưa 02 sắc ra biển nhưng vẫn lại trôi tấp trở vào. Nghĩ sắc chọn đây làm nơi thời tự, họ cử người ra Thanh Hóa xem và lấy kiểu đền thờ Bà Triệu về đây xây cất. Lầu thờ Bà xây dựng trước năm 1945, sau đó bị hư hỏng được trùng tu lại bằng lá. Cũng theo các cụ, Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương có ngôi vị lớn hơn hết trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Bà là hiện thân của Bà Triệu nên được người dân nơi đây tín ngưỡng. Hàng năm, lễ cúng Bà diễn ra vào ngày Rằm tháng Riêng âm lịch, thu hút hàng ngàn người, kể cả người dân một vài tỉnh lân cận, đến chiêm bái. Lễ diễn ra 02 ngày 01 đêm với nhiều nghi thức trang nghiêm, long trọng.

Bên kia hương lộ, ở xóm trên có đình Triệu Quốc Đạt. Đình này còn có tên gọi đình Triệu Quốc Công, Triệu Công Minh hoặc Triệu Minh Công. Xưa kia, nơi đây là biển, vào năm nọ, miền Bắc bị lũ lụt lớn, có 02 bài vị trôi tấp vào đây, nhân dân đưa trở lại biển nhưng không thành. Xem bài vị biết một cái thờ Bà Triệu, cái kia thờ anh Bà là Triệu Quốc Đạt. Cho là ý các ngài muốn ở lại đây nên họ cử người ra Bắc xem lấy kiểu đền về thiết kế nơi thờ tự. Qua bao loạn lạc, đình hư hỏng trầm trọng và được xây cất lại tường gạch mái tôl như hiện tại từ năm 2009 với bảng đề: “Đình thần Triệu Minh Công”.

Lãnh đạo UBND xã Trường Long Hòa chia sẻ cùng chúng tôi: Cả 03 huyền tích này đều được truyền miệng từ rất lâu đời ở địa phương đang chờ các nhà khoa học, khảo cổ học nghiên cứu; tuy nhiên, hiện nay vẫn có thể coi là điểm nhấn thu hút khách đến Trà Vinh nếu được tôn tạo và quảng bá rộng rãi.

Cần gắn vào tour du lịch miền Tây – Trà Vinh

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Thanh Thưởng, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: hiện tại, chưa tìm được nguồn tư liệu xác định chính xác Lầu thờ Bà được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, qua lời truyền kể của các vị cao niên ở đây, Lầu thờ Bà được các bậc tiền nhân khi đến đây khai hoang, lập làng tạo dựng cách đây gần 200 năm. Khi mới tạo dựng, Lầu thờ Bà được dựng đơn sơ, sau đó được xây dựng quy mô, bề thế. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Lầu thở Bà từng bị máy bay ném bom làm sập một góc. Sau đó, được cất lại bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói. Từ đó đến nay, trải qua vài lần trùng tu gần đây nhất là năm 2008, xây dựng Lầu thờ Bà kiên cố với kiến trúc gồm một triệt, một lầu bằng cột bê-tông, vách tường, mái lợp tol.

Trong những năm kháng chiến, Lầu thờ Bà không chỉ là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là kho dự trữ, địa điểm xay xát lúa gạo phục vụ cho lực lượng cách mạng tại chỗ mà còn cung cấp cho chiến trường miền Nam, miền Trung. Nơi đây, còn là điểm tập hợp, là trường huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ dân quân của Xứ ủy, lực lượng thanh niên của tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là địa điểm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, nơi vận động tín đồ và nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng trong năm này, các Chi bộ Đảng đầu tiên ở Trà Vinh được thành lập như: Chi bộ xã An Trường (Càng Long), Chi bộ thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh) và Chi bộ xã Mỹ Long (Cầu Ngang). Năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Duyên Hải được thành lập ở xã Long Vĩnh do đồng chí Đỗ Xuân Quang (thầy giáo Sành) làm Bí thư Chi bộ. Sự ra đời của Tổ chức Đảng Cộng sản và các chi bộ Đảng đầu tiên đã ảnh hưởng sấu sắc và tác động mạnh mẽ đến nhận thức chính trị của nhân dân xã Trường Long Hòa. Từ đó, nhiều phong trào, các cuộc vận động truyền bá tư tưởng cách mạng của các tổ chức Đảng Cộng sản được quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hổ Chí Minh, tín đồ Lầu thờ Bà và nhân dân địa phương nổi dậy rào chặn, đắp ụ chiến đấu, bao vây cô lập địch trong đồn, buộc chúng phải rút chạy. Xã Trường Long Hòa được giải phóng vào tháng 3/1947. Sau khi được giải phóng, Chi bộ đã cũng cố và phát triển đảng viên. Các cơ quan của tỉnh tập trung về đóng ở các xã trong huyện  để xây dựng căn cứ và giúp dân phát triển kinh tế. Riêng Lầu thờ Bà vẫn được chọn làm nơi huấn luyện, luyện tập võ thuật cho cán bộ cách mạng. Đặc biệt, khi Trà Vinh cùng với Bà Rịa, Bến Tre và Cà Mau được Trung ương Đảng chỉ thị tổ chức tàu thuyền ra Bắc, mở bến bãi đón nhận vũ khí từ miền Bắc chở vào bằng “Đường Hồ Chí Minh trên biển” để cung cấp cho chiến trường miền Nam. Sau khi  tàu đi về cập bến an toàn, số vũ khí này được cấp phát cho Đại đội Bộ binh 501, Đại đội Đặc công 513 (những người đã được huấn luyện tại Lầu Bà) vận chuyển đi nhiều nơi khác phục vụ chiến trường Nam Bộ.

Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), quân dân xã Trường Long Hòa, trong đó có nhiều gia đình là tín đồ của Lầu thờ Bà dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đã quyết tâm đánh trả gây tổn hao sinh lực và nhiều thiệt hại cho địch, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Như vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lầu thờ Bà và tín đồ nơi đây vẫn một lòng một dạ đi theo đảng, bất chấp nguy hiểm sẵn sàng hy sinh bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng. Lầu thờ Bà đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân xã Trường Long Hòa sắt thép, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Trường Long Hòa nói riêng, của huyện Duyên Hải nói chung.

Theo ông Trần Thanh Thưởng, để giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng đã qua, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cũng như giá trị văn hóa lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, Sở sẽ phối hợp tốt với các Sở, ngành tỉnh thống nhất các giải pháp để quản lý, bảo tồn, bền vững và phát huy toàn diện, có hiệu quả các giá trị của di tích. Và nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bổ sung vào hoạt động du lịch; coi đây là một trong những điểm sáng của loại hình du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử của thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trùng tu và tôn tạo di tích.

Nguồn Báo Trà Vinh – Bài Trường Hiếu