Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (gọi tắt là Nghị định 45) vừa ban hành được coi là “người gác cổng” để môi trường du lịch Việt Nam trở nên trong lành hơn.

Chủ tịch UBND xã có quyền xử phạt về du lịch

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lâu năm nhận định: Nếu như những nghị định trước còn chung chung, mập mờ thì tại Nghị định 45 này mọi thứ đã rất cụ thể, rõ ràng. Với Nghị định 45, các doanh nghiệp lữ hành sẽ không còn làm bậy được nữa. Bởi sẽ có nhiều đơn vị có thể cùng tham gia xử phạt các doanh nghiệp lữ hành, thậm chí kể từ ngày 1-8 tới đây, UBND xã cũng có quyền xử phạt doanh nghiệp. Nghị định 45 cũng có mức phạt tương đối nặng, tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, thẻ hành nghề… từ 1 đến 24 tháng; mức phạt tiền đối với cá nhân lên đến 50 triệu đồng, tổ chức đến 100 triệu đồng.

Làm du lịch không thể bát nháo
 Hướng dẫn viên thuyết minh tại Khu di tích Mỹ Sơn-Quảng Nam.

Đáng chú ý, có nghị định quy định một số hành vi trước đây ở Việt Nam thường mắc phải. Chẳng hạn, nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không có giường (hoặc đệm hay chiếu hoặc chăn hoặc gối) theo quy định; không thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối, khăn tắm hoặc khăn mặt khi có khách mới… bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Các hành vi như sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung mang tính xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia; để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật đều bị phạt rất nặng.

Bên cạnh đó, các hành vi, như: Không kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh; thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra; Không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách; Không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách; không niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ… đều bị phạt tiền. 

Không còn làm du lịch theo cảm tính

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 2.300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, khoảng 8.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; trong đó nhiều quản lý điều hành tour không nắm được Luật Du lịch và cả những quy định xử phạt hành chính trong hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Người Việt có tâm lý thấy người khác làm có lợi nhuận là cũng xông vào làm mà không hiểu nhiều về lĩnh vực mình làm. Các công ty lữ hành xuất hiện đông đảo thời gian qua cũng như vậy. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay đã khác. Những người làm lữ hành phải là người nắm được pháp luật, hiểu được khách hàng, hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn  hóa… đồng thời luôn lắng nghe để biết những gì đang diễn ra trên đất nước mình. Doanh nghiệp giờ đây không thể làm việc theo cảm tính, theo lời khuyên mà không cần biết pháp luật quy định gì, cho phép hay không, bảo vệ quyền lợi của mình tới đâu… Chúng tôi lo ngại nhiều doanh nghiệp không đọc Luật Du lịch, Nghị định 45 nên vi phạm mà không biết và rồi cố cãi, cố hiểu luật theo cách mình muốn, giải thích luật theo họ tưởng tượng. Hợp đồng miệng là một ví dụ thời gian qua được nhiều người viện dẫn. Như vậy rất nực cười”.

Nghị định 45 quy định nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực du lịch. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp đều xác định phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng, “Hiểu rõ quy định pháp luật là để hạn chế hoạt động phi pháp lộn xộn, cũng là tạo điều kiện, môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đã đến lúc doanh nghiệp không thể hiểu khơi khơi luật như trước bởi lợi nhuận lữ hành không cao, những công ty du lịch làm ăn chộp giật sẽ bị siết chặt”. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch TransViet Travel nói: “Sau khi Nghị định 45 ra đời, những người làm du lịch chúng tôi thấy việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn, nếu không phổ biến cho nhân viên nắm kỹ mà vi phạm và bị phạt sẽ gây ra những thiệt hại lớn không chỉ với tài chính mà còn cả với uy tín của công ty”.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn: https://www.qdnd.vn