Đây là một trong những đề xuất, kiến nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Ngày 11-1, Ban IV (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cùng Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã công bố kết quả cuộc khảo sát trong tháng 12-2021 về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19 tại Việt Nam.

Kiến nghị đồng bộ mở cửa đón khách du lịch - Ảnh 1.

Du khách quan tâm hàng đầu tới yếu tố an toàn dịch bệnh khi đi du lịch vào thời điểm này .Ảnh: LAM GIANG

Cuộc khảo sát phân tích câu trả lời của hơn 10.000 người để làm căn cứ xây dựng những đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho biết gần 90% số người được hỏi muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó có 53,7% muốn đi du lịch ngay trong giai đoạn từ tháng 12-2021 đến các tháng đầu năm 2022, thể hiện nhu cầu “lò xo bị nén” có thể bật mạnh. Đáng chú ý là du khách TP HCM sẵn sàng đi du lịch sớm hơn trong khoảng 4 tháng tới, du khách Hà Nội và các tỉnh có xu hướng đi du lịch muộn hơn trong khoảng 4-8 tháng tới…

Diễn biến này cho thấy cơ hội phục hồi của du lịch nội địa là rất khả quan một khi tình hình bình thường mới đi vào ổn định.

Du lịch ngắn ngày là xu hướng chính khi có tới 45% người được hỏi chọn tour 2-3 ngày; khách cũng chuộng đi theo nhóm nhỏ thân quen, nhất là du khách ở Hà Nội… Theo ông Hoàng Nhân Chính, nhu cầu này cho thấy cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch đi theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính khoảng 3-4 giờ chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP HCM.

“Tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là ưu tiên cao nhất của du khách khi lên kế hoạch đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 56% người lựa chọn; nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch… Dù vậy, vẫn tồn tại nhiều lo ngại của du khách cần được giải tỏa, trong đó lo ngại nhiều nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà, nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương” – ông Hoàng Nhân Chính thông tin.

Việc kiểm tra thông tin của du khách cũng khá khó khăn. “Không chỉ Phú Quốc mà nhiều khu du lịch khác của chúng tôi ở Sa Pa, Hạ Long, Đà Nẵng, Tây Ninh, khách hỏi nhiều nhưng cũng bày tỏ lo ngại về thủ tục đi lại. Lộ trình đón khách tại địa phương đó, đi và về thế nào nên hiện nhiều khu du lịch của chúng tôi trước mắt mở cửa vào cuối tuần, dự kiến tình hình khả quan sẽ mở trở lại toàn bộ trong dịp Tết Nguyên đán” – bà Trần Nguyện nói.

Từ thực tiễn trên, Ban IV và TAB đề xuất Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128. Trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp nghị quyết này, tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp (DN) có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh một cách chủ động, hiệu quả.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương muốn mở cửa đón du khách cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 128, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ…

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là yêu cầu cụ thể liên quan đến điều kiện di chuyển, cư trú… Các địa phương có thể cung cấp một đường dây nóng để chuyên hỗ trợ quá trình phổ biến thông tin, giúp người dân và DN nắm bắt chi tiết khi lên kế hoạch di chuyển, du lịch, từ đó nâng cao hiệu quả và ý thức tuân thủ, chấp hành” – ông Hoàng Nhân Chính nói.

Đón khách quốc tế vẫn có khó

Theo một số DN, hoạt động đón khách quốc tế vẫn đang gặp vướng mắc liên quan đến quy trình. Theo bà Trần Nguyện, nếu đón đoàn khách quốc tế tới Phú Quốc tham quan Hòn Thơm thì địa điểm này sẽ không được đón khách nội địa. Điều này là rất khó và lộ trình thu hút khách quốc tế trở lại đang gặp nhiều trở ngại. Chưa kể, tỉ lệ ca mắc Covid-19 ở Việt Nam còn cao nên khách du lịch quốc tế trở về nước có thể phải cách ly, cũng là trở ngại. “Như thị trường Hàn Quốc, thúc đẩy, quảng bá du khách nước này trở lại Việt Nam rất tốt nhưng do quy định đi du lịch Việt Nam về phải bị cách ly nên các đối tác nước ngoài đang quan sát tình hình, khách cũng ngại” – bà Trần Nguyện băn khoăn.

THÁI PHƯƠNG – Báo Người Lao động