English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre năm 2015 và những năm kế tiếp

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Năm 2014, là năm thứ 3 triển khai thực hiện chỉ thị 09-CT/TU của Tỉnh ủy và đề án Phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015. Ngành du lịch Bến Tre đã đạt được kết quả khả quan.

bentre

Ảnh: Du khách nước ngoài đi du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại Bến tre ngày càng nhiều.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU đã nâng lên nhận thức của các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và cộng đồng dân cư về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh; tạo sự đồng thuận và tích cực hỗ trợ, phối hợp thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015.

Những năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở hạ tầng du lịch có chuyển biến rõ nét; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch có nhiều cố gắng nâng cấp, chỉnh trang cơ sở kinh doanh, quan tâm đến chất lượng sản phẩm, một số dự án đầu tư cơ sở vật chất du lịch có qui mô khá và hiện đại hoàn thành đưa vào khai thác, tạo cho du lịch Bến Tre có được cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch chất lượng khá. Công tác quảng bá xúc tiến về du lịch được đổi mới, phong phú và đa dạng. Các chương trình của Bộ VHTTDL triển khai có hiệu quả: chương trình kích cầu du lịch, chương trình xây dựng nhà vệ sinh phục vụ du lịch đạt chuẩn, chương trình bao cao su dự phòng lây nhiễm HIV tại cơ sở lưu trú du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ được đầu tư chỉnh trang nâng cấp, tạo sản phẩm mới, có chất lượng. Tham gia các hội nghị, hội chợ, hội thảo về du lịch đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm thu hút khách. Các điểm du lịch có qui mô khá được đưa vào khai thác và liên tục đầu tư mở rộng như: Forever Green Resort, Trung tâm hội nghị Palace, điểm dừng chân An Khánh, điểm du lịch Phú An Khang, điểm du lịch Cồn Phụng …Các vùng quy hoạch du lịch tiếp tục ổn định và phát triển như: khu vực nam thành phố Bến Tre, Chợ Lách, Cồn Bửng.

Tổng thu từ khách du lịch và lượng khách đến tiếp tục tăng trưởng: tổng thu từ khách du lịch đạt 562 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ; lượng khách đến đạt 904.000 lượt, tăng 13% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, do du lịch Bến Tre còn non trẻ so với khu vực cũng như cả nước, vì vậy không tránh khỏi những hạn chế như: Cơ sở hạ tầng có quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Các dự án đầu tư du lịch có tăng về số lượng và chất lượng, nhưng còn một số dự án chậm triển khai thực hiện. Chưa có khu du lịch, điểm du lịch thực sự hấp dẫn; dịch vụ du lịch chưa đặc sắc, để lưu giữ du khách lưu trú dài ngày. Chưa có doanh nghiệp du lịch lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch có nâng lên, nhưng vẫn còn hạn chế về trình độ, thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều tiến bộ, nhưng còn hạn chế về kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương và quảng bá đến các vùng, miền trong nước.

Để làm tiền đề phát triển du lịch năm 2015 và những năm kế tiếp; năm 2014, ngành du lịch đã thực hiện một số việc như:

(1) Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2015: nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại rút ra những nguyên nhân, để có những giải pháp đề ra cho năm 2015 và những năm tiếp theo, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

(2) Tổ chức sơ kết 1 năm liên kết phát triển du lịch Cụm phía đông ĐBSCL: đây là một lĩnh vực mới; trong khu vực ĐBSCL chỉ mới thành lập được 2 cụm liên kết. Kết quả thực hiện việc liên kết phát triển du lịch chưa nhiều, nhưng bước đầu đã tạo được kết quả đáng quan tâm.

Việc liên kết đã tạo được nhận thức về quan điểm liên kết phát triển du lịch của 4 tỉnh. Cùng đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp phát triển du lịch, xóa bỏ tư tưởng cát cứ lãnh thổ, tư tưởng cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình hoạt động kinh doanh của các tỉnh trong Cụm. Tạo ấn tượng mới cho ngành du lịch của các tỉnh trong cụm, đa dạng hóa về loại hình và sản phẩm du lịch, tạo được sự quan tâm nhiều hơn và thu hút được đông đảo du khách đến với cụm; việc liên kết được sự quan tâm và đánh giá cao của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Tổng cục Du lịch.

Qua sơ kết hoạt động liên kết các tỉnh trong cụm, nhằm đánh giá những hiệu  quả đạt được, những hạn chế; tìm ra những giải phát cũng cố, phát triển du lịch các tỉnh theo hướng qui mô, chuyên nghiệp, tạo sản phẩm đặc thù, quảng bá thương hiệu du lịch của Cụm, thu hút khách và phát triển bền vững. Đồng thời, giới thiệu, thu hút tỉnh Long An, Đồng Tháp tham gia thành viên của Cụm liên kết phát triển du lịch phía đông ĐBSCL. 

(3). Công nhận Khu di tích “Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” là khu du lịch địa phương. Đây là lĩnh vực mới, hiện nay trong nước rất ít nơi công nhận khu du lịch theo Luật Du lịch. Mục đích việc công nhận KDL để có điều kiện thu hút khách quốc tế, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư du lịch, tăng cường công tác quản lý khu du lịch hướng đến chuyên trách và chuyên nghiệp…Làm cơ sở để phát triển bền vững.

Năm 2015, các ngành kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của cuộc suy thoái toàn cầu và bất ổn chính trị thế giới, dịch bệnh…sẽ làm hạn chế tốc độ phát triển kinh tế, giảm sút thu nhập người dân; từ đó, tác động trực tiếp đến việc phát triển của ngành du lịch. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án phát triển du lịch Bến Tre. Chỉ tiêu chủ yếu năm 2015 của tỉnh, là tổng thu từ khách du lịch đạt 700 tỉ đồng, lượng khách đến đạt 1 triệu lượt.

Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2015 và những năm kế tiếp, cần tập trung một số giải pháp chủ yêu:

(1) Tiếp tục triển khai Chỉ thị 09/CT-TU nhằm cũng cố và nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch.

(2) Phát triển sản phẩm du lịch: tập trung chỉnh trang, nâng cấp các di tích văn hóa – lịch sử thành điểm tham quan du lịch. Tổ chức các sự kiện lễ hội mang nét đặc thù của địa phương. Tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động các khu, điểm du lịch đặc thù của tỉnh như “khu Forever Green Resort” và dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên Biển tại Bến Tre”.

(3). Tổ chức liên kết: tiếp tục củng cố và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Long An.

(4). Về tăng nhanh tổng thu từ khách du lịch: tập trung quan tâm đến chất lượng dịch vụ ở tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm phục vụ thỏa mãn nhu cầu khách, thu hút lượng khách du lịch có chất lượng đến Bến Tre đông hơn. Song song đó, ngành du lịch cần phải phát triển về số lượng khu du lịch, điểm du lịch; các dịch vụ du lịch có chất lượng. Về khách du lịch, hướng đến nhóm khách cao cấp, có thời gian lưu trú dài, có khả năng chi tiêu cao.

(5). Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư  và phát triển kinh doanh du lịch: Ngoài chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng để thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các địa phương cần quan tâm xúc tiến đầu tư, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư du lịch.

(6). Phát triển du lịch gắn với khai thác các di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc: ưu tiên chọn các di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc có điều kiện thu hút khách tham quan; qui hoạch chi tiết phân khu chức năng để xây dựng các hạng mục công trình dịch vụ và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch đến tham quan. 

(7) Triển khai thi công nhanh các dự án đầu tư phát triển du lịch: hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục đầu tư; giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư. Tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng các dịch vụ hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông.

(8). Tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở kỹ thuật phát triển du lịch: các ngành, các cấp có kế hoạch ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho các vùng quy hoạch phát triển du lịch, bằng nhiều nguồn vốn: trung ương, địa phương, các thành phần kinh tế và nhà nước nhân dân cùng làm. Khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư các nơi có điều kiện phát triển du lịch, đầu tư tạo điểm đến, với nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách.

(9) Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch: tranh thủ các nguồn vốn, tăng cường hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc quảng bá thương hiện, tập huấn nghiệp vụ du lịch…Mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến đến các địa phương trong nước và các nước trong khu vực.

                                                                                                                        Nguồn: mdta.com.vn – VIẾT TRUNG