Đồng chí Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Trà Vinh là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc Kinh – Khơme –Hoa. Trong quá trình cộng cư, các dân tộc đã kiến tạo nên hệ giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, hấp dẫn. Cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh luôn ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa- lịch sử truyền thống. Những giá trị di sản là thành tố quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch độc đáo, mang nét đặc trưng riêng, tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách khi đến Trà Vinh.

Hiện tỉnh Trà Vinh có 528 di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, danh lam thắng cảnh … Trong đó có 1 bảo vật quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh và 5 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Đàn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Lễ hội Ok Om Bok… Trong đó Lễ hội cúng biển Mỹ Long, huyện Cầu Ngang đã tồn tại hơn 100 năm và thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham gia, có giá trị để khai thác phát triển du lịch..

 Đồng chí Tô Ngọc Bình Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang giới thiệu thế mạnh trong du lịch của Cầu Ngang

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao &Du lịch tỉnh Trà Vinh, công tác điều tra hệ thống giá trị của di tích, lập hồ sơ xếp hàng còn hạn chế, việc bảo tồn và trùng tu còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo trở thành điểm đến hấp dẫn, chưa khai thác giá trị gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, việc phát huy các giá trị của di tích gắn với việc khai thác và phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tạo bước đột phá phát triển cho du lịch Trà Vinh.

Tọa đàm nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long, gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển của huyện Cầu Ngang nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Tô Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: huyện Cầu Ngang nằm trên cung đường “Hành trình kết nối từ sông ra biển” của Trà Vinh. Cầu Ngang có cả sông và biển, đó là những cồn với rừng cây xanh ngát bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái như: Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Long Bắc), Hàng Dương (Thị trấn Mỹ Long)… Cầu Ngang cũng có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái làng nghề và du lịch tâm linh. Toàn huyện có 76 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, từ đó tạo nên những phong tục, tập quán phong phú, đa dạng của người dân.

 Các đồng chí chủ trì tọa đàm

Lễ hội Nghinh Ông là một trong những nét đặc sắc của người dân ở Cầu Ngang. Năm 2020, đánh dấu kỷ niệm 101 năm Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch; tạo cơ hội để giới thiệu về văn hóa, lễ hội, du lịch tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Ngang nói riêng đến du khách trong và ngoài tỉnh cũng như du khách quốc tế. Qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch, thương mại; kết nối giao thương giữa các địa phương trong vùng, góp phần phát huy các giá trị, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Hướng đến giai đoạn 2020- 2030 sẽ nâng tầm Lễ hội Nghinh Ông lên quy mô cấp vùng.

Theo TS Trương Thu Trang đến từ Đại học Bạc Liêu, để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng ven biển Trà Vinh trước hết cần phải dựa trên nguồn tài nguyên du lịch ven biển sẵn có; kết nối với các chuyên gia để xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch thu hút khách tham gia trải nghiệm, hoặc có thể xây dựng chuỗi giá trị văn hóa tâm linh ven biển để du khách có thể trải nghiệm toàn diện hơn về đời sống tâm linh cư dân ven biển với những đặc trưng riêng gắn với văn hóa biển.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhiều đại biểu cho rằng: Cần phải phát triển văn hóa Lễ hội phi vật thể, trong đó là Lễ hội Nghinh Ông nhiều năm qua vẫn chỉ tổ chức ở quy mô địa phương, địa phương cần có đề xuất và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quy mô ở mức độ cao hơn, để đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến. Cùng với đó, việc tổ chức các không gian văn hóa ẩm thực trong tuần Lễ hội nếu được, có thể phân khu ẩm thực những sản phẩm đặc sản đặc trưng của Trà Vinh…

GS Chung Hoàng Chương, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng: Phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

GS Chung Hoàng Chương, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng: Những con sông, những cồn hay những cù lao sẽ không hoàn toàn tồn tại lâu dài, bởi sự biến đổi của khí hậu sẽ làm cho chúng  thay đổi. Vì vậy, song song với việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái đòi hỏi những người làm du lịch phải có hướng để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc liên kết du lịch giữa Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực bằng phương tiện đường thủy, mang đặc trưng của vùng sông nước cần phải được đẩy mạnh, triển khai…

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lữ hành đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm giúp Trà Vinh bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội cũng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Các đại biểu cũng cho rằng, ngoài bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biến Mỹ Long trong phát triển du lịch thì Trà Vinh cần gắn kết với việc phát triển loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm cộng đồng tại địa phương, nhất là những vùng, địa phương có tiềm năng, tùy thuộc vào điều kiện khả năng của địa phương…/.

 Tin, ảnh: Hoàng Mẫn