English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Độc đáo văn hóa du lịch của tỉnh Trà Vinh

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Trà Vinh được biết đến là một nơi có cảnh quan đa dạng với hệ thống kênh, rạch, sông nước, cùng bãi biển đẹp chạy dài tạo những danh thắng nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long; mà Trà Vinh còn đem đến sự khác biệt cho ngành du lịch. Không chỉ là địa danh nổi tiếng với ngành du lịch không khói, nơi đây còn tạo dấu ấn riêng nhờ sự hòa trộn bởi nhiều nền văn hóa dân tộc với nhau và tạo thành những tuyến du lịch văn hóa có một không hai trên đất nước.

Trà Vinh không chỉ là địa danh mang du khách những trải nghiệm về ngành du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái mà ở đây còn giúp du khách có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển

Tỉnh Trà Vinh đã trải qua những thăng trầm vì bị chi phối bởi những quy luật kiến tạo địa chất cùng những lần “biển tiến, biển lùi”, vùng đất có tên gọi “Trà Vang” – tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã được hình thành từ lâu đời. Vào thời kỳ đó, Trà Vinh vẫn còn là một vùng đất rất hoang vu, các loại cây rừng trùm lên những giồng đất, những đầm lầy và sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt.

Đây là một vùng đất chứa đựng một hệ sinh thái đa dạng cùng với nhiều tiềm năng kinh tế khác nhau và cũng là nơi có nhiều sự nổi bật về văn hóa, bởi đây là nhà của nhiều dân tộc như: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… Bởi vậy, Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được kết hợp bởi văn hóa sông nước miệt vườn, sinh thái ven biển, khám phá bản sắc văn hóa của vùng đất gắn bó lâu đời của các dân tộc với các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc diễn ra quanh năm.

Tuyến du lịch cộng đồng thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa Du lịch Khmer – Cồn Chim

Tuyến du lịch hướng đến chuyển tải cho du khách các giá trị nhân văn đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Kinh và Hoa. Các điểm đến độc đáo của tuyến là hệ thống di tích và danh thắng tiêu biểu tại Trà Vinh bao gồm: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ao Bà Om, Chùa Âng, Di tích Bờ Lũy, Chùa Lò Gạch và Phước Minh Cung.

Ao Bà Om – Ảnh: TTTXTDL Trà Vinh

Ao Bà Om – Ảnh sưu tầm

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển kinh tế năng động và sáng tạo, cộng đồng địa phương đã ấp ủ và cho ra đời các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Làng Văn hóa Du lịch Khmer và Cồn Chim. Làng văn hóa du lịch Khmer là nơi bảo tồn văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer tại Trà Vinh.

Mừng lễ đón nhận chùa Ông Mẹt được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ảnh: Sưu tầm

Chùa Vàm Ray – Ảnh sưu tầm

Du lịch văn hóa Khmer là sản phẩm du lịch đặc trưng của Trà Vinh

Song song đó, Cồn Chim tạo nên sự khác biệt với mô hình du lịch cộng đồng. Cồn Chim có diện tích khoảng 60 ha, một nửa là đất trồng lúa, còn lại trồng rau màu và cây ăn trái. Lấy thế mạnh nông nghiệp, người dân nơi đây làm du lịch theo hướng hoàn toàn thuận thiên. Ngay từ khi bắt đầu khai thác, người dân làm du lịch rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ nói không với rác thải nhựa; không dùng các hình thức khai thác tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của nguồn thủy sản; không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả.

Người dân cồn Chim đồng lòng bảo vệ nguồn thủy sinh bằng cách tự nhiên nhất và sản xuất nông sản sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Chính vì thế, gạo ở đây sạch, tôm lại càng ngon vì 1/3 lúa sạch được trả về làm thức ăn tự nhiên nuôi tôm. Cho nên đến Cồn Chim, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức các món ăn địa phương theo mùa.

Điểm Du lịch Cộng đồng Cồn Chim – Ảnh: Thanh Tuấn

Du khách trải nghiệm câu cua tại Khu du lịch Cồn Chim – Ảnh: sưu tầm

Đến với Cồn Chim du khách được hòa mình vào thiên nhiên và nhịp sống thôn quê – Ảnh: sưu tầm

Cồn Chim với thông điệp “du lịch thuận thiên” được xem là điểm đến ấn tượng nổi bật tại đồng bằng sông Cửu Long. Tinh thần “thuận thiên” được các bên liên quan xem như triết lý dẫn dắt để kiến tạo các dịch vụ du lịch có trách nhiệm và hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Mạng lưới sản phẩm của tuyến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được hình thành và đẩy mạnh từ năm 2018, là tiền đề quan trọng để Trà Vinh trở thành một trong những vệ tinh du lịch quan trọng của Nam Bộ, Việt Nam.

Tuyến du lịch sinh thái thành phố Trà Vinh – Làng Văn hóa Du lịch Khmer – Cồn Hô

Đây là tuyến du lịch kết nối các giá trị sinh thái tự nhiên và nhân văn đặc sắc của tỉnh Trà Vinh. Các trải nghiệm chính của tuyến hứa hẹn đem đến cho du khách những cảm xúc chân thật về không gian ký ức và hiện sinh của văn hóa Nam Bộ hòa vào mảng xanh đô thị và cảnh quan sinh thái nông nghiệp. Du khách sẽ có cơ hội quan sát Cây Dầu Dù (khoảng 800 tuổi), Quần thể danh thắng Ao Bà Om, Làng Văn hóa Du lịch Khmer và Cồn Hô.

Khách tham quan du lịch tại Ao Bà Om – Ảnh: Sưu tầm

Cồn Hô được xem là “viên ngọc thô” của du lịch Trà Vinh. Nơi đây có vườn cây xanh mướt và những con người rất thật thà, chất phác, hào sảng đặc trưng miền Tây sông nước. Đến với cồn Hô, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi trải nghiệm đặc biệt: du lịch không điện về đêm. Tại đây, ban ngày du khách sẽ có những trải nghiệm làm nông dân cùng bà con, về đêm sẽ cùng người dân ăn tối trong ánh đèn dầu, thăm cồn Hô vào buổi tối bằng đèn măng-sông.

Cồn Hô còn mang những dấu ấn của vùng quê Nam Bộ xưa – Ảnh: sưu tầm

Bởi thế, với động thái kiến tạo điểm đến theo thông điệp “du lịch tự thân” với “tour đèn dầu” tại Cồn Hô có sức hấp dẫn đặc biệt và phù hợp với xu hướng “du lịch chậm”. Tinh thần “tự thân” thể hiện sự thích ứng linh hoạt và sáng tạo của người dân trong việc tận dụng các giá trị sẵn có để cung cấp các dịch vụ du lịch đặc thù cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2020, tuyến du lịch sinh thái này được hình thành đã góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa và gia cố sản phẩm du lịch tổng thể của Trà Vinh.

 Tuyến du lịch Văn hoá – Sinh thái Tiểu Cần – Cầu Kè

Khai thác dựa trên nguồn lực chính yếu là các cảnh quan sinh thái nông nghiệp và hệ thống di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực phía Tây tỉnh Trà Vinh. Đến Tiểu Cần, du khách sẽ có dịp ghé thăm cơ sở chế biến mật hoa dừa Sokfarm để cảm nhận tinh thần khởi nghiệp theo hướng tích hợp và nâng tầm các giá trị tài nguyên bản địa.

Một góc huyện Tiểu Cần

Đến với cù lao Tân Quy được xem là vựa trái cây nổi tiếng của cả tỉnh. Cù lao được bao bọc bởi sông Hậu nhận được lượng phù sa trù phú nên có khung cảnh sinh thái nông nghiệp miệt vườn với các loại cây trái ngọt lành nổi tiếng tại Việt Nam.

Mô hình chế biến mật hoa dừa Sokfarm là một trải nghiệm đáng nhớ khi du khách tới Trà Vinh

Tại đây, du khách có thể trải nghiệm du lịch sinh thái nông thôn, tìm hiểu đời sống thường nhật của người dân vùng nông thôn sông nước, thăm vườn cây trĩu quả thưởng thức ngay tại chỗ. Ngoài ra, bạn còn có thể tự tay hái trái, nghe chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, chuyện trò với những người dân miệt vườn. Một trong những điều hấp dẫn du khách gần xa đến với cù lao Tân Quy là bãi tắm đối diện ngay điểm tham quan du lịch sinh thái Điểm Hẹn (Út Rụp). Nơi này còn được ví von là “bãi tắm biến mất”, do chỉ xuất hiện khi con nước xuống.

Bên cạnh đó, du khách sẽ có cơ hội tham quan hệ thống nhà cổ Huỳnh Kỳ, Minh Đức Cung, lưu trú tại homestay Suonsia và tìm hiểu cách người nông dân làm du lịch tại Cù lao Tân Quy. Hình ảnh nổi bật của tuyến là “vườn cây và nhà cổ” gắn liền với sự năng động của người dân trong việc kiến tạo các trải nghiệm du lịch thú vị với thông điệp “đón khách như đón người thân trở về”.

Nhà cổ Cầu Kè – Nhà cổ Huỳnh Kỳ (nhà của Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ) được xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Ảnh: Sưu tầm

Tuyến du lịch văn hóa – sinh thái Cầu Kè được đẩy mạnh khai thác vào năm 2019 góp phần quan trọng trong việc định hình cấu trúc và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Vườn Nhãn Tím – Ảnh: Thanh Tuấn

Đến Cầu Kè là phải đến thăm vườn nhãn tím độc và lạ với trái, lá hầu như màu tim

Tuyến du lịch văn hoá Trà Cú

Tuyến du lịch văn hóa Trà Cú nhấn mạnh việc kết nối các trải nghiệm và thực hành văn hóa độc đáo tại địa bàn huyện Trà Cú – nơi có số lượng người Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh Trà Vinh.

Tà Cú gây ấn tượng với du khách là những chuyến du lịch tâm linh bởi hệ thống các thiết chế văn hóa Phật giáo đặc sắc.

Cơ sở làm mão, mặt nạ Kim Mạnh – Ảnh: Thanh Tuấn

Huyện Trà Cú là nơi cộng cư lâu dài của ba dân tộc Kinh – Khmer- Hoa, chính truyền thống giao thoa văn hóa lâu dài đã mang đến vùng đất này những nét đặc trưng văn hóa độc đáo

Điển hình như chùa Vàm Rây (chùa Phật Nằm), tại ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, chùa có kiến trúc rất dễ nhận diện với hình dáng nhìn từ bên ngoài như một cung điện bằng vàng với nhiều hoa văn tinh xảo; cổng chùa theo kiểu tam quan, mang phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer; tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn sơn son thếp vàng dài 54 m.

Tượng Phật nằm tại chùa Vàm Rây thuộc ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân. Ảnh: sưu tầm

Ngoài ra, huyện Trà Cú còn có chùa Phnô Đôn (thường gọi là chùa Cò) tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, xây dựng năm 1677. Ngoài nghệ thuật kiến trúc – trang trí, điểm đặc biệt của chùa Phnô Đôn là ở cái tên thường gọi “chùa Cò”. Chùa Cò có khoảng 10 vạn cá thể cò và chim (cò trắng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cồng cộc, vạc… về đậu trên những cây cổ thụ cao (cây sao, cây sầu đâu, cây dầu…) trong khuôn viên 6 ha của chùa.

Chùa Cò – Ảnh. sưu tầm .

Chùa Cò được xây dựng trong thời đại hưng thịnh của đế chế Khơ Me ở Trà Vinh

Bên cạnh đó, những hình ảnh trực quan tại Di tích kiến trúc Lưu Cừ II gợi mở các câu chuyện huyền thoại về nền văn hóa Phù Nam sẽ góp phần gia tăng cảm xúc hoài niệm cho du khách. Ngoài ra, Trà Cú còn nổi tiếng với làng dệt chiếu Cà Hom. “Sáng tạo truyền thống” để lưu giữ các giá trị văn hóa là điểm nhấn của không gian văn hóa du lịch Trà Cú.

Các điểm đến mới được hình thành từ năm 2019 như:  Không gian chế tác mặt nạ Khmer truyền thống Kim Mạnh; Cơ sở may đo trang phục Khmer Kim Sông; Ẩm thực quê Cô Diễm; Ẩm thực Rithy đã tạo nên bức tranh sinh động về thực hành du lịch văn hóa tại Trà Cú nói riêng và Trà Vinh nói chung.

Tuyến du lịch sinh thái biển Cầu Ngang – Duyên Hải

Tuyến du lịch này giới thiệu đến du khách các giá trị phức hợp của quần thể tự nhiên, văn hóa và kinh tế biển tại Trà Vinh. Các điểm đến tiêu biểu của tuyến bao gồm: Biển Ba Động; Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh và Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.

Điện gió Đông Hải – Ảnh: Thanh Tuấn

Điện gió không chỉ là đòn bẩy kinh tế mà còn tạo động lực phát triển cho ngành du lịch của tỉnh Trà Vinh “cất cánh”

Với địa thế đặc biệt, tỉnh Trà Vinh cũng tập trung đầu tư khu du lịch sinh thái, rừng ngập mặn vẫn đang thu hút du khách qua các năm và đang được quan tâm đầu tư. Các chương trình về tỉnh Trà Vinh luôn gắn với Khu du lịch biển Ba Động, bởi những câu chuyện đặc biệt liên quan. Đồng thời, du khách cũng có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh.

Biển Ba Động – Ảnh: TTTTXTDL Trà Vinh

Cũng chính từ vùng biển này, du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động, bánh tét Trà Cuôn, chù ụ rang me và tôm khô Vinh Kim…. Nhiều điểm đến khác ở dạng tiềm năng của địa phương hứa hẹn sẽ đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách trong tương lai như: cửa Cung Hầu, Cồn Bần và Cồn Nghêu. Động lực phát triển du lịch gắn với biển sẽ tạo đà cho việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới. Với thông điệp “kết nối hành trình từ sông ra biển”, ngành du lịch Trà Vinh đang dần chuyển mình để tạo bước đột phá phát triển trong tương lai./.

Nguồn: Thanh Tuấn