English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014, các địa phương tại khu vực này đang có nhiều hoạt động tích cực đầu tư cho phát triển du lịch, thu hút nhiều hơn nữa lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

dulichnambojpg

Tiền Giang đầu tư 430 tỷ đồng phát triển ngành du lịch

Theo đó, trong năm 2014, tỉnh Tiền Giang đầu tư 430 tỷ đồng để phát triển du lịch, tỉnh này chú trọng vào việc phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Được biết, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, tỉnh Tiền Giang có tiềm năng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rất phong phú, do đó, địa phương này đang nỗ lực tập trung kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch, sắp xếp tour tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn kết hợp khai thác các tuyến du lịch mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng thời khắc phục các mặt hạn chế, đẩy lùi tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách cùng những vi phạm trên lĩnh vực kinh doanh du lịch…

Năm nay, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hàng loạt công trình phục vụ du lịch như Khách sạn Mekong Mỹ Tho đạt tiêu chuẩn 4 sao, Khách sạn Cửu Long và Khách sạn Lạc Hồng đạt tiêu chuẩn 3 sao, đây là những khách sạn đều nằm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện Khu sinh thái nghỉ dưỡng trên cù lao Thới Sơn, thuộc địa bàn thành phố Mỹ Tho, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành-Hàng Dương thuộc huyện Gò Công Đông và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước.

Ngoài ra, các ngành chức năng của Tiền Giang kết hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại-quảng bá sản phẩm trên lĩnh vực kinh doanh du lịch, thu hút du khách, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong việc giới thiệu và mở thêm các tour du lịch mới hấp dẫn du khách, nghiên cứu đóng mới và cải tiến kiểu dáng tàu du lịch phục vụ du khách tham quan sông nước sông Tiền.

Định hướng của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn 2020 là khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái trên cả ba vùng sinh thái, gồm sinh thái ngọt ven sông Tiền, sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước và sinh thái biển Gò Công.

Để hỗ trợ các hoạt động du lịch cũng như tạo tiện nghi mọi mặt cho du khách, Tiền Giang cũng coi trọng việc phát triển cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Phát triển phương tiện vận chuyển du lịch, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng của địa phương, đồng thời gắn hoạt động du lịch sinh thái với tiềm năng vườn cây ăn trái đặc sản và làng nghề truyền thống vốn là thế mạnh của tỉnh, qua đó, giới thiệu cùng bạn bè trong và ngoài nước về mảnh đất và con người Tiền Giang.

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu trong năm 2014 sẽ đón 1.386.000 lượt du khách, tăng 8,5% so năm 2013, doanh thu trên 376 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2013. Trong đó, khách quốc tế đón 633.900 lượt người, tăng 8% so năm 2013, còn lại là khách nội địa.

Trà Vinh: Liên kết du lịch với các địa phương trong vùng

Trà Vinh là một trong những tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, sông nước miệt vườn.

Nét đặc trưng, điểm nhấn của ngành du lịch Trà Vinh là du lịch tâm linh, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương với 141 ngôi chùa Khmer cổ kính tại khắp các huyện, thành phố Trà Vinh. Cùng với các lễ hội truyền thống với những nét đặc trưng riêng biệt thu hút đông đảo khách du lịch như Lễ hội Nghinh Ông (Cúng biển) của người Kinh, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer, Vu lan Thắng Hội của người Hoa.

Thời gian quan, tỉnh Trà Vinh tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, quy hoạch các khu du lịch sinh thái, “du lịch xanh” tại Khu du lịch biển Ba Động và các cù lao như Cù Lao Long Trị, Cù Lao Tân Qui. Trùng tu, tôn tạo các khu di tích văn hóa – lịch sử nhất là các di tích kiến trúc chùa Khmer. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực với các tỉnh phía Đông duyên hải là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, nhằm kết nối tour, tuyến du lịch đưa đưa khách đến với Trà Vinh.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh Trà Vinh đã đón được 150.000 lượt khách, tăng 3,45% so cùng kỳ. Trong đó, có 4.800 lượt quốc tế, khách nội địa có 145.200 lượt. Khách lưu trú 88.617 lượt, trong đó 4.405 lượt khách quốc tế, 84.212 lượt khách nội địa, tăng 1,94% so cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 82 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có một nhà khách, 5 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao và 65 khách sạn, nhà nghỉ đạt chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Bến Tre: Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch đúng hướng, khai thác thế mạnh của địa phương về du lịch, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỉnh Bến Tre đã triển khai chương trình kích cầu gắn với thúc đẩy các ngành dịch vụ, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông du lịch và đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực lưu trú.

Bến Tre có hơn 50 cơ sở lưu trú, tăng nhiều so với những năm trước đây, trong đó tăng mạnh ở nhóm khách sạn 3 sao, thể hiện tính chuyên nghiệp, có sự chuyển hóa mạnh mẽ từ số lượng đơn vị cho đến số lượng phòng trong lĩnh vực khách sạn chưa được xếp hạng và nhà nghỉ. Tất cả các loại hình lưu trú đều đồng loạt tăng về số lượng khách đến, chứng tỏ lượng du khách tăng rất đồng đều từ những phân khúc thị trường khách cao cấp, thượng lưu cho đến khách tham quan phổ thông.

Chính do tăng các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, nên công suất buồng và doanh thu từ cơ sở lưu trú cũng tăng trưởng đáng kể. Chỉ tính trong năm 2013, công suất sử dụng buồng phòng đạt 60%, tăng hơn năm trước, doanh thu lưu trú đạt 68,12 tỷ, tăng 22% so với năm trước.

Thành công này có sự đóng góp của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bến Tre với những lớp tập huấn, các lớp nghiệp vụ ngắn hạn được tổ chức thường xuyên đã bổ sung kiến thức cho người lao động tham gia kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Công tác xúc tiến quảng bá từng bước được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dịch vụ lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, việc tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh đã tạo các tour, tuyến mới, phong phú đã phát huy thế mạnh của du lịch tỉnh. Với những yếu tố thuận lợi đó, Bến Tre phấn đấu năm 2014 đạt 1 triệu lượt du khách, trong đó có 450 nghìn lượt khách quốc tế. Được biết, trong năm 2013, tỉnh Bến Tre đã đón hơn 800 nghìn lượt du khách, tổng thu từ du lịch đạt 459 tỷ đồng.

An Giang: Phát triển đa dạng các loại hình du lịch

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, năm 2014, tỉnh này tập trung thực hiện kế hoạch khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Theo đó, các loại hình du lịch mà An Giang tập trung phát triển là du lịch tâm linh, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch tại các khu vui chơi giải trí tổng hợp, du lịch sinh thái.v.v..

Để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương, tỉnh An Giang đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các khu du lịch trên địa bàn như xây dựng Khu vui chơi giải trí tổng hợp Châu Đốc, Khu du lịch núi Cấm và Khu du lịch lòng hồ – núi Sập, đồng thời với đầu tư cơ sở hạ tầng và mời gọi đầu tư các dịch vụ du lịch, tỉnh cũng chú trọng các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó khai thác lợi thế độ cao, khí hậu của núi Cấm để đầu tư đưa Khu du lịch núi Cấm trở thành một “Đà Lạt” của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng sẽ đầu tư phát triển Khu du lịch núi Cấm và núi Sam với miếu Bà Chúa Xứ, tổ chức Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ núi Sam với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống như đua bò và các trò chơi dân gian.

An Giang cũng phát triển loại hình du lịch sinh thái, sông nước với Khu rừng tràm Trà Sư được hình thành và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thiên nhiên. Khu du lịch sinh thái búng Bình Thiên sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ vòng quanh búng Bình Thiên, cầu tàu phục vụ giải trí bơi thuyền, khôi phục làng nghề dệt của đồng bào dân tộc Chăm, hình thành câu lạc bộ bơi thuyền truyền thống, thuyền hiện đại và các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, lướt ván… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Ngoài ra, tỉnh An Giang còn chú trọng phát huy loại hình du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử như Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, kết hợp tham quan, học tập về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái, các loại hình văn hóa truyền thống như đờn ca tài tử, văn hóa dân gian. Di tích cấp quốc gia đặc biệt khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo, giúp du khách tham quan, nghiên cứu khảo cổ về văn hóa Óc Eo, Bảo tàng Văn hóa Óc Eo./…
Nguồn: ĐCSVN