
Quang cảnh buổi hội thảo 4.0
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các chủ đề như: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với du lịch Việt Nam, Thực trạng nguồn nhân lực nghành du lịch và yêu cầu trong thời kỳ cách mạng 4.0, Cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ 4.0, Vai trò cơ quan quản lý du lịch, cơ sở đào tạo du lịch trong thời kỳ 4.0…hay Quảng bá du lịch trong thời kỳ 4.0 và Công nghiệp 4.0 với phát triển du lịch.

TS. Lê Thị Mỹ Bình – hiệu trưởng trường đại học Khánh Hòa trao hoa cho các đơn vị đồng hành cùng hội thảo lần này
Theo VITEA, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay còn khá thấp, tỷ lệ lao động có chuyên môn nghiệp vụ chỉ đạt khoảng 43%, hơn 50% số lao động làm du lịch không biết ngoại ngữ. Hiện nay, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động, tuy nhiên năng lực đào tạo chưa đáp ứng được con số này. Tính đến thời hiện tại, cả nước có 196 cơ sở đào tạo du lịch, gồm 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho ra trường khoảng 22.000 sinh viên, học viên. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp; 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, 18.200 học viên hệ trung cấp. Ngoài ra, còn có khoảng 5.000 lao động sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo cho thấy, chương trình đào tạo còn chưa thống nhất, chưa sát với nhu cầu của xã hội; chất lượng giảng viên còn thấp; cơ sở vật chất giảng dạy còn thiếu; phương pháp giảng dạy còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành. Điều đó đã khiến người lao động ra trường không bắt kịp với thực tế công việc, đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Hùng Minh
Nguồn: báo Du lịch