English EN Vietnamese VI
English EN Vietnamese VI

Bến Tre: Liên kết thúc đẩy phát triển du lịch

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Liên kết vùng là xu thế tất yếu của phát triển du lịch (DL), nhằm phát huy lợi ích cạnh tranh về sản phẩm DL của mỗi địa phương, mỗi vùng. Thông qua liên kết, DL phát huy được nguồn lực cộng sinh, xây dựng những tour tuyến chung và làm tăng sức hút cho cả khu vực, cung cấp sản phẩm chuỗi giá trị DL một cách phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách.


Du lịch Bến Tre đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.

Phát huy sức mạnh cộng sinh

Những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng thuận lợi và những chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng đã giúp cho DL tỉnh Bến Tre nói riêng và liên đới là DL trong cụm liên kết phía Đông cũng như DL đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được chắp cánh.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: Tỉnh đã và đang làm rất tốt yếu tố liên kết để phát triển DL, đạt được những đột phá. Không chỉ tham gia vào hợp tác liên kết của cụm phía Đông ĐBSCL, liên kết giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh mà DL tỉnh còn thúc đẩy liên kết với các tỉnh, thành khác như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Huế. Cùng với ký kết hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về DL mà ngành còn đạt được liên kết thật sự giữa các công ty lữ hành có uy tín trong nước với điểm đến, cơ sở lưu trú của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên về khách nội địa, trong đó giữ mối dây liên kết chặt chẽ với Saigontourist, Vietravel là hai đơn vị lữ hành lớn của cả nước.

Thời gian qua, với Kế hoạch số 840 của Hội đồng liên kết phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng như các phương hướng liên kết trong cụm, ngành DL các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển DL chung như: trao đổi thông tin về tình hình phát triển DL, liên kết về quy hoạch phát triển DL, kêu gọi đầu tư các dự án, sản phẩm DL đặc thù, liên kết xúc tiến, quảng bá DL địa phương thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ, ngày hội DL. Đồng thời, liên kết quảng bá DL trên các phương tiện truyền thông, tổ chức nhiều sự kiện DL chung của cụm cũng như phối hợp đón tiếp các đoàn khảo sát DL và mời gọi đầu tư lĩnh vực DL.

Hưởng lợi từ điều này, tỉnh cũng đã tận dụng được lợi thế khi là điểm trung tâm của đường tour liên tuyến “Non nước hữu tình” qua các tỉnh trong cụm  phía Đông (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp), đón được nguồn khách chung của cụm và khu vực. Đồng thời, giữ chân khách ở lại lâu hơn trước khi di chuyển sang điểm đến khác. Theo báo cáo đánh giá 6 tháng năm 2022 của cụm DL phía Đông ĐBSCL, tỉnh đón hơn 670 ngàn lượt khách, xếp thứ 2 trong cụm. Doanh thu đạt trên 821 tỷ đồng.

Các hoạt động liên kết trong cụm và khu vực cũng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm DL tại tỉnh. Cùng với các tỉnh trong cụm liên kết, tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ DL, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm ngay tại các địa phương dành cho cán bộ quản lý nhà nước, DN, cơ sở kinh doanh DL và cộng đồng dân cư, đã góp phần nâng chuẩn nguồn nhân lực DL chung của khu vực, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.

Tạo nét riêng xứ Dừa

Vượt lên hạn chế về sự trùng lắp sản phẩm giữa các tỉnh có nét điều kiện tự nhiên tương đồng, DL tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh, vị thế riêng từ giá trị cốt lõi. Đặc trưng tự nhiên vùng sinh thái mặn – ngọt – lợ cho đến các giá trị nhân văn. Đặc biệt, giá trị và hình ảnh cây dừa chính là ưu thế để tỉnh tạo dựng nên thương hiệu sản phẩm riêng có “DL sinh thái sông nước xứ Dừa”.

Theo đánh giá từ Saigontourist, một trong những DN lữ hành chuyên nghiệp lớn của cả nước, tài nguyên DL của Bến Tre khá phù hợp xu hướng của khách DL quốc tế cũng như khách nội địa hiện nay khi họ ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu đời sống thật của người dân, thích trải nghiệm, tham gia các hoạt động cùng cộng đồng… Nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn sau đại dịch Covid-19, xu hướng DL nội địa đã chuyển trục theo hình thức đi theo nhóm nhỏ, ưa chuộng yếu tố sinh thái, xanh, thân thiện với thiên nhiên. Có thể nói, diện mạo DL Bến Tre trong 5 năm trở lại đây đã đổi mới so với trước rất nhiều khi coi trọng và đẩy mạnh yếu tố văn hóa bản địa.

“Chúng ta đang khai thác thế mạnh về dừa và các đặc trưng của văn hóa xứ Dừa thì cần làm rõ hơn hình ảnh riêng của DL Bến Tre so với các tỉnh khác trong khu vực để khi du khách đến, DL tỉnh có thể đưa ra những hình ảnh, giá trị cốt lõi, đặc sắc nhất, không trùng lắp với sản phẩm DL của địa phương nào khác”, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết.

Liên kết để phát triển DL cần có sự chung tay từ các bên liên quan. Ngành chức năng thực hiện vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực DL có trách nhiệm định hướng, xây dựng chính sách để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các DN trong khai khác DL. Bên cạnh đó, các DN lữ hành, DL cũng cần nêu cao vai trò, thực hiện trách nhiệm của mình đối với DL địa phương, góp phần xây dựng sản phẩm DL địa phương.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết thêm: Để xây dựng và phát triển các sản phẩm DL Bến Tre liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đạt hiệu quả cao, các giải pháp cần được quan tâm thực hiện là: Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ DL. Xây dựng hệ thống các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách DL quốc tế. Đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Tiếp tục tìm kiếm và xây dựng các sản phẩm DL đặc thù của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu DL đa dạng của du khách. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút đầu tư DL trong và ngoài nước.

“Mối liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thể hiện trên 4 mặt quan trọng là: Liên kết hợp tác về quản lý nhà nước, xây dựng sản phẩm DL, quảng bá xúc tiến DL và liên kết xây dựng nguồn nhân lực. Có thể nói, trong cả nước thì đây là khu vực có sự liên kết phát triển DL được tổ chức chặt chẽ, có quy định rõ về quyền hạn, nhiệm vụ của các thành viên trên phương châm tự nguyện, tự quản, quyết định theo đa số, nêu cao trách nhiệm. Việc kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển DL từ năm 2019 đến nay đã giúp hình thành nên một không gian DL mới gồm 42 ngàn km2 và 27 triệu dân, tạo nên mối liên kết hợp tác mạnh mẽ và thực chất giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy DL của khu vực và cả nước”.

(Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong)

Nguồn: Nguồn: Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn